Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Bếp Dưới Mắt Các Nhà Thiết Kế Trẻ

Good Hope là công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn,thiết kế, thi công trọn gói các hạng mục công trình nhà ở,thiết kế nhà chung cư, khách sạn,..., đầu tư xây dựng các công trình nhà lô, biệt thự,...

 
KTS TRẦN HOÀNG TRUNG
TD Solutions
 
Quan niệm của anh về công việc thiết kế không gian bếp?
 
Điều quan trọng nhất trong không gian này là tính năng công việc, việc làm bếp luôn có một dây chuyền riêng, do vậy thiết kế phải phù hợp với dây chuyền này mới có thể tạo được gian bếp đảm bảo về công năng.
 
Một nhầm lẫn rất dễ mắc phải ở những người mới thiết kế bếp là cố tạo ra một không gian mang tính thẩm mỹ cao nhưng không đạt về công năng. Khác với những phòng ngủ hay phòng khách, những không gian cấn được thiết kế đẹp, lãng mạn, nếu ít nhiều không thuận tiện vẫn có thể chấp nhận được. Còn đối với bếp, không thể thiết kế bất hợp lý về công năng khiến dây chuyền bị rối, gây khó khăn cho công việc nấu nướng.
 
Bên cạnh đó, người thiết kế bếp cũng phải thường xuyên cập nhật về các xu hướng bếp mới trên thế giới, tìm hiểu những cải tiến trong trang thiết bị nhà bếp có thể ứng dụng linh hoạt, hỗ trợ tốt hơn trong quá trình thiết kế, đảm bảo cả về chức năng lẫn tính thẩm mỹ cho không gian.
 
 
Qua những công trình đã làm, thiết kế bếp anh ưa thích phải đảm bảo điều gì?
 
Một gian bếp tốt phải tiện dụng, ứng dụng được các công nghệ hỗ trợ mới và cho người làm bếp cảm giác thoải mái. Ngoài việc hợp lý về công năng, tỷ lệ và thuận tiện cho thao tác, một gian bếp tốt phải khiến người làm bếp thư giãn, thích thú và cảm thấy đây là không gian của riêng họ.
Với nhiều người, làm bếp còn là một công việc yêu thích nên những yếu tố tạo cảm xúc này thậm chí còn được cọi trong hơn. Đó có thể là một tầm nhìn đẹp qua khung cửa sổ lớn, mở góc nhìn ra vườn hay một tiểu cảnh thú vị, gam màu sử dụng dễ chịu cho mắt; hay những bản nhạc yêu thích được nghe trong khi làm bếp.
 
NHÀ THIẾT KẾ DƯƠNG MINH THANH
DWP
 
Những yếu tố nào cần lưu ý khi lựa chọn màu sắc, vật liệu và trang trí cho gian bếp, theo chị?
 
Điều quan trọng nhất ở một gian bếp là công năng của nó, cần phải thuận tiện, tiết kiệm công sức nhất cho người sử dụng. Nếu không đảm bảo công năng, việc đầu tư về màu sắc, vật liệu cũng sẽ trở nên vô ích.
 
Khi đã đảm bảo yếu tố cốt lõi này, những gì còn lại phụ thuộc vào sở thích của chủ nhà và phong cách được chọn. Về màu sắc, có một xu hướng phổ biến hiện nay là sử dụng những điểm nhấn màu sắc dễ chịu trên cùng một tông màu chủ đạo nào đó để gian bếp sinh động hơn. Có thể lựa chọn màu sắc, vật liệu và đồ trang trí bếp dựa trên một phong cách định sẵn.
 
Ví dụ, với phong cách cổ điển thì màu thường dùng là trắng, kem hoặc xám nhẹ, kết hợp với đá marble trắng; phong cách hiện đại thì chuộng đường nét thẳng thớm, đề cao sự đơn giản, không gờ chỉ, màu sắc cũng đa dạng hơn nhưng phổ biến là màu trung tính; phong cách đồng quê (vintage) lấy cảm hứng nông thôn dân dã, tự nhiên nên chọn những màu xanh lục, xanh cốm, xanh da trời cho rèm hoặc cho cả bếp, điểm xuyết thêm những hoa văn.
 
 
Ngoài ra còn có lối trang trí rustic thô mộc thích hợp với nhà nghỉ vùng nông thôn hoặc những khu biệt thự ít bụi bặm, vì với phong cách này người ta không dùng dạng tủ đóng kín mà chủ yếu là dùng kệ, nên khó ứng dụng trong điều kiện nóng ẩm và nhiều bụi như ở xứ ta, hay một phong cách khác như travel inspire (trang trí từ những món đồ mang về từ nhiều vùng khác nhau theo sở thích du lịch của gia chủ), architectural (đưa những chi tiết thuộc về kiến trúc như xà gồ gỗ trang trí cho trần, mặt bàn bếp dùng bê tông láng thay vì đá tự nhiên hoặc đá nhân tạo,…), earthy (xu hướng thiên về các vật liệu thiên nhiên), colorful (nhấn mạnh sử dụng màu sắc).
 
Việc bố trí ánh sáng cho gian bếp, theo tôi không nên cầu kỳ mà vẫn tuân thủ tính công năng, đảm bảo chiếu sáng “đủ” và dễ chịu, một giải pháp khả thi là tạo thành hai loại ánh sáng khác nhau, đó là ánh sáng chung cho cả phòng và ánh sáng riêng ở từng bộ phận như bên dưới tủ treo chiếu sáng cho lúc nấu, hay ánh sáng ở đảo bếp dùng khi sửa soạn thực phẩm…
 
Còn những yếu tố nào khác cần lưu tâm trong việc bài trí không gian bếp?
 
Thói quen làm bếp của chúng ta vẫn nặng về nước nôi, cần sơ chế nhiều nên chọn vật liệu đủ bền, khó bám bẩn. Những gam màu tối sẽ “an toàn” hơn cho gian bếp của những gia đình quá bận rộn, không có thời gian chăm chút.
 
Việc sử dụng hệ tủ bếp có cửa kính cũng là một “mẹo” hay để giữ gian bếp ngăn nắp và đẹp, bởi khi sử dụng loại tủ này, chủ nhà có thể trưng bày những món đồ mình yêu thích, đồng nghĩa với việc không sắp xếp bừa bộn vì hoàn toàn có thể “bị nhìn thấy” qua lớp kính. Có thể phối hợp đảo bếp, bàn ăn, kho chứa đồ, ba trong một, ở những gian bếp nhỏ. Tránh xử lý mặt dựng của bếp bằng mosaic bởi dầu mỡ sẽ nhanh chóng bám vào các ron gạch.
 
KTS TRẦN LÊ QUỐC BÌNH
Q.BI CORP.
 
Những yêu cầu thường gặp từ khách hàng về không gian bếp?
 
Yêu cầu thường gặp nhất là làm thế nào xử lý được “vấn đề mùi” không chỉ cho bếp mà cho cả ngôi nhà mỗi khi nấu nướng. Cách khả thi là bố trí gian bếp thật thoáng hoặc tiếp xúc với bên ngoài. Đối với những ngôi nhà có diện tích xây dựng thoải mái, khách hàng thường yêu cầu hai bếp riêng biệt nhưng thuận tiện thao tác qua lại một bếp trong cố định và một bếp ngoài linh động. Trừ một mái che bên trên, bếp ngoài được thiết kế mở hoàn toàn và dùng để nấu nướng những món nặng mùi.
 
Bên cạnh đó, nhiều người có thói quen nấu nướng kiểu “bếp ngồi” vốn thuận tiện để sơ chế những thực phẩm kích thước lớn, cần không gian để thao tác nên yêu cầu có thêm sàn rửa, bởi khi thực hiện thao tác đó trên bồn rửa hay ở các bếp hiện đại tương đối khó khăn, mất vệ sinh và có thể làm nghẹt đường thoát nước. Khi đặt thêm sàn rửa cần khéo léo “giấu” hoặc bố trí vào góc khuất nhưng vẫn tiện sử dụng.
 
Khách hàng ngày nay yêu cầu gian bếp cần sự thoáng đãng và có những tầm nhìn đẹp, ví dụ ở những căn hộ chung cư thì nên gần cửa sổ hoặc ban công để có thể nhìn ra bên ngoài, nhà phố thì nối với khoảng sân sau được bài trí các tiểu cảnh hoặc vườn…
 
Anh có lưu ý gì về việc bố trí không gian, đặt biệt là lối thiết kế bếp liên thông với những không gian khác như phòng ăn, phòng khách?
 
Ngày nay cách bố trí bếp mở - liên thông vơi phòng ăn và phòng khách – đang ngày càng phổ biến. Với những ngôi nhà hạn chế về diện tích, việc thiệt kế liên thông sẽ tạo cảm giác rộng hơn, đẹp hơn và tính giao lưu trong gian nhà nhiều hơn. Tuy nhiên có hai điểm khi chọn cách bố trí này:
  • Thứ nhất: “mở” thì phải đẹp, muốn đẹp phải gọn gàng và muốn gọn phải bố trí hợp lý, điều này đòi hỏi mọi vật dụng trong bếp đều có chỗ của nó.
  • Thứ hai: biện pháp xử lý mùi phải cực kỳ kỹ lưỡng và có tính toán hợp lý đối với cánh bố trí này.  
NHÀ THIẾT KẾ NGUYỄN LÊ NHƯ THỦY
ARCHTRAN
 
Những vấn đề thường gặp khi thiết kế không gian bếp?
 
Bên cạnh những yếu tố cơ bản, không thể thiếu của một gian bếp, cần quan tâm về mặt phong thủy như hướng, màu sắc, những quy tắc phải tuân thủ… cho phù hợp với “mạng” của chủ nhà, bởi điều này sẽ đem lại không ít vấn đề trong bố cục, trang trí bếp.
 
Cần phải biết điều chỉnh cho phù hợp với những yêu cầu này nhưng vẫn đảm bảo công năng vốn có của một gian bếp cũng như tạo được tính hợp lý, thẩm mỹ cho không gian. Việc điều chỉnh tỷ lệ, chiều cao bàn bếp (đảo bếp), độ sâu của tủ, khoảng cách từ bàn bếp đến tủ treo,… cho phù hợp với nhân trắc của người Việt nói chung và người sử dụng cụ thể cũng là những vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng.
 
 
Những giải pháp mà chị thường áp dụng khi thiết kế bếp?
 
ArchTran thường bố trí những ô cửa lớn, ‘mở” tối đa để lấy sáng tự nhiên được thuận tiện nhất, tạo không khí nhẹ nhàng, thoáng hơn cho gian bếp. Chúng tôi có xu hướng đẩy bếp ra ngoài và gắn vào đảo bếp, đồng thời đặt máy hút ở giữa nhà; tạo hướng nhìn thoải mái hơn, tránh cảm giác ức chế cho người làm bếp khi phải quay mặt vào tường trong lúc nấu nướng.
 
Tuy nhiên đi kèm với giải pháp này là đòi hỏi xử lý tốt về mặt kỹ thuật cũng như trang trí cho phần ống hút. Việc sử dụng đảo bếp di động cũng là một giải pháp thích hợp cho những không gian hạn chế. Ở điều kiện bình thường, những đảo bếp đóng vai trò như một bàn bếp đơn thuần và nằm gọn sát tường, nhưng mỗi khi cần nấu nướng nhiều để phục vụ cho những buổi tiệc thì đảo bếp có thể được đẩy ra giữa phòng, thuận tiện cho nhiều người cùng thao tác.
 
NHÀ THIẾT KẾ NGUYỄN HUY LÂN
AA Corporation
 
Quan sát của anh về những xu hướng mới trong thiết kế nhà bếp?
 
Tham dự sự kiện Hội chợ đồ nội thất i Saloni Milano 2010 vào tháng 4 vừa qua tôi thấy khu vực bếp không có nhiều đột phá so với mọi năm nhưng chất liệu thì cởi mở hơn rất nhiều. Đáng chú ý là sự xuất hiện của chất liệu gỗ được xử lý thô mộc và mang nét tự nhiên hơn chứ không trơn láng hay có bề mặt quá mượt mà nữa. Bề mặt gỗ vẫn còn độ gồ ghề của vân gỗ và giữ lại gam màu tự nhiên là chính, tạo cảm giác thân thiện và ấm áp hơn.
 
Bên cạnh đó, hình thức bài trí, bố cục gian bếp cũng lạ hơn, linh động hơn. Không còn những căn bếp ý nghĩa đơn thuần mà không gian này đã trở thành hẳn một phần trang trí, một bộ phận tôn vinh vẻ đẹp của cả ngôi nhà. Không gian bếp hiện đại còn có thể tích hợp bar, tủ lớn trang trí, kệ sách…thậm chí tạo thành một chuỗi không gian chức năng hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cùng lúc.
 
Một điều đáng quan tâm nữa là ý niệm “closet” – thường dùng để chỉ những tủ quần áo lớn cũng đã áp dụng cho nhà bếp, đem lại hiệu quả hết sức thú vị  mà trước giờ chưa được nghĩ đến. tương tự đối với việc chứa đựng quần áo, đây là một loại tủ thật lớn, hoặc là cả một căn phòng để dễ dàng sắp xếp và quản lý nhiều loại vật dụng nhà bếp khác nhau, thích hợp cho những không gian rộng.
 
Tuy nhiên, dù đi theo xu hướng nào, hình thái nào thì căn bếp cũng phải đảm bảo yêu cầu công năng và cách vận hành bếp phù hợp với tập quán sinh hoạt của từng đối tượng cụ thể. Người thiết kế bếp nhuần nhuyễn phải hiểu rõ đặc tính, kích thước, tỷ lệ từng loại bếp cùng các vật dụng đi kèm, định hình trước những loại thực phẩm sẽ thường xuyên được chế biến trong đó.
 
Một căn bếp Việt sẽ hoàn toàn khác với một gian bếp “Tây” về cả dây chuyền làm bếp cũng như truyền thống sử dụng, không thể có sự áp dụng y khuôn. Đảm bảo được điều đó, việc tạo ra hình khối, tính thẩm mỹ, vật liệu hay bố cục… đều phụ thuộc vào khả năng biến hóa của người thiết kế và sở thích gia chủ.
 
KTS LÊ VIỆT NGA
VNGArchitect
 
Quan niệm của anh về ứng dụng phong thủy trong thiết kế bếp?
 
Rất nhiều người quan niệm chủ nhà tuổi nào thì sẽ hợp với một hướng nhất định và từ đó cố gắng xoay hướng, đổi vị trí bếp cho phù hợp với điều này. Nếu dung hòa được các yêu cầu về phong thủy với tính thẩm mỹ thì không có vấn đề gì để bàn cãi, còn nếu phải gượng ép theo quan niệm phong thủy mà bỏ qua những khía cạnh khác thì sẽ trở nên phản tác dụng.
 
Quan niệm của tôi về phong thủy là tạo cho người sử dụng cảm thấy thoải mái và tự tin, tạo được hiệu quả tốt nhất về sử dụng, đó mới là một “phong thủy” tốt. Theo đó hướng không phải là một ưu tiên hàng đầu, cái cần phải thích hợp là “thế” của gian bếp, nghĩa là tìm được vị trí thuận lợi nhất, tốt nhất để đặt bếp.
 
Những yếu tố còn lại liên quan đến phong thủy như màu sắc, vật liệu thì tương đối ít “khó chịu” hơn. Ví dụ như tạo những điểm nhấn màu sắc cho sinh động hơn tong màu “bổn mạng” được chọn làm chủ đạo, tận dụng những chất liệu thiên nhiên như ánh sáng, không khí, cây xanh; tổ chức vận hành tốt cho gian bếp, thêm vào các nhân tố bổ trợ như âm nhạc, tivi… để làm không gian bếp cuốn hút hơn.
 
Tuy nhiên, còn một yếu tố nữa rất quan trọng đối với một gian bếp mà người thiết kế không thể can thiệp được, đó là yếu tố gia đình. Một gian bếp hoàn thiện, trở thành trung tâm của ngôi nhà phải là nơi quây quần, là nơi diễn ra những sinh hoạt gia đình đầm ấm thường nhật, nơi cuộc sống vui vẻ, hòa hợp. Đó mới chính là khía cạnh phong thủy “tốt” nhất cần đạt tới.

Tags: Thiet ke phong ngu, noi that phong khach, noi that phong ngu, thiet ke bep, tu bep, noi that bep, ke bep, thiet ke phong khach

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean