Hiện nay, chúng ta đã có hàng trăm bảo tàng lớn nhỏ cấp tỉnh, ngành, trung ương tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Cho đến nay chưa có tổng kết nào mang đến độ tin cậy về lượng khách tham quan và chất lượng của những bảo tàng này. Có những công trình vừa xây xong đã chết yểu vì nó lạc hậu về kiến trúc, nghèo nàn về nội dung, khách đến xem như “bị phải đến” chỉ bước chân vào một lần rồi không bao giờ quay lại. Đó là những lãng phí đang tồn tại, phải chờ đến khi có những “cú huých” mạnh của công luận hay cơ quan cấp chính phủ may ra mới có dịp lay chuyển.
Trong quá trình phát triển mạnh mẽ của xã hội, người dân Việt Nam có quyền đòi hỏi hưởng thụ nền văn hóa cao, trong đó Bảo tàng chứa đựng những loại hình nghệ thuật được nhắc đến. Được Nhà nước quan tâm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất trong các công trình văn hóa từ trước tới nay. Những nội dung trưng bày và hoạt động của Bảo tàng này được các nhà quản lý và chuyên môn đưa vào nhiệm vụ thiết kế khá đầy đủ. Một cuộc thi quốc tế đã được tổ chức. Mười tám phương án đã được trưng bày lấy ý kiến người dân. Sự lựa chon cuối cùng thuộc về Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Người dân kỳ vọng sẽ có 1 công trình mang tầm văn hóa lớn đúng như yêu cầu của Ban tổ chức cuộc thi đặt ra: “Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phải hiện đại, mang tính dân tộc Việt Nam...” nhưng cũng phải phù hợp với nguồn ngân sách hiện có. Không thể xây dựng với bất kỳ một giá trị nào trong lúc còn phải có nhiều việc phải làm phục vụ nền kinh tế - văn hóa - giáo dục của quốc dân.
Trong số này, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam xin đăng tải các phương án tham gia dự thi thiết kế Kiến trúc Bảo tàng lịch sử Quốc gia vừa được tổ chức tại Hà Nội và triển lãm các phương án thiết kế tại Hà Nội (từ ngày 18 - 24/9) và TP. Hồ Chí Minh (từ ngày 2 - 8/10) vừa qua. Đã có nhiều ý kiến của giới chuyên môn trong và ngoài ngành về các phương án được giải cũng như không có giải. Mỗi KTS, đặc biệt với những người đã từng hành nghề lâu năm trong và ngoài nước đều có cách nhìn và đánh giá của mình sau khi xem tại phòng trưng bày triểm lãm. Những đóng góp tâm huyết sẽ là cần thiết để các nhà quản lý sáng suốt lựa chọn phương án xứng đáng có lợi cho dân, cho nước, tránh những lãng phí không đáng có của số lượng lớn các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay trong tình trạng thiếu khách tham quan, nghiên cứu.
TCKTVN
PHƯƠNG ÁN: 190206TR
PHƯƠNG ÁN: 145179QT
PHƯƠNG ÁN: 794517AD – GIẢI A
PHƯƠNG ÁN: 183173DB – GIẢI A
Ý KIẾN CỦA CÁC KIẾN TRÚC SƯ
JOHN STOPES - KTS Anh : Việt Nam, đất nước có một nền kiến trúc truyền thống đi theo nhánh văn hoá riêng biệt, không trộn lẫn với các nền kiến trúc khác thường gặp ở Châu á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay ấn Độ. Các nhà KTS Pháp từ đầu thế kỷ XX đã xây dựng Trường Viễn Đông Bác Cổ để làm nơi lưu giữ di sản văn hoá và lịch sử Việt Nam. Đây cũng chính là Bảo tàng lịch sử Việt Nam, đã qua hơn 80 năm xây dựng, vẫn là một lâu đài - biểu tượng cho kiến trúc văn hoá á Đông - Việt Nam. Nó sừng sững thể hiện sự thành công của sự kết hợp văn hoá giữa phương Tây và phương Đông nhưng mang nét kiến trúc của dân tộc Việt Nam.
Cuộc thi kiến trúc Bảo tàng lịch sử Quốc gia được phát động ở quy mô quốc tế đã mang lại nhiều phương án kiến trúc tốt, có phong cách kiến trúc và tư duy về công năng và dây chuyền sử dụng. Bảo tàng này sau khi xây dựng sẽ thay thế cho Bảo tàng lịch sử gần dốc Bác Cổ mà người Pháp xây dựng như đã nói ở trên.
Trước hết, tôi muốn nói đến vị trí xây dựng và quy hoạch định vị của công trình. Trên trục đô thị mới Tây Hồ Tây do người Hàn Quốc quy hoạch về cơ bản đã được chấp nhận, tức là quy hoạch này đã hoàn chỉnh. Công viên Hoà Bình và Hữu Nghị được tạo bởi không gian cây xanh với gần 50ha kết thúc trục quy hoạch Tây Hồ Tây.
Bảo tàng được bố trí nằm trong một công viên Hữu Nghị với 28,5 ha nhưng chỉ giới hạn 10ha còn lại phải trả cho đất công viên (18,5 ha) và trong này phải bố trí hồ nước điều hoà 8 - 10 ha. Diện tích chiếm đất chỉ cho phép 30.000m2. Tổng diện tích xây dựng là khoảng 90.000 m2.
Công trình nếu đặt theo trục Tây Hồ Tây (tức là quay mặt về hướng Đông) thì sẽ chấp nhận sự chắp vá với bản quy hoạch cũ đã hoàn chỉnh, rất khó xoay sở để tạo lập một chỉnh thể quy hoạch ở khu vực này. Mặt khác hướng Bắc có công viên Hoà Bình và trục đường lớn sẽ mở rộng, do vậy việc chọn lựa hướng nhìn về phía Bắc là hợp lý hơn cả. Tuy nhiên cả 2 phương án giải A đều quay trục về hướng Đông thì sẽ bị gượng ép và cũng không theo truyền thống nhà theo hướng Bắc – Nam của người miền Bắc Việt Nam.
Trong yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế giao cho các nhà thi tuyển, công trình có 3 khối chức năng chính: Khu trưng bày trong nhà, khu trưng bày tuổi trẻ sáng tạo, khu lưu giữ tưởng niệm các danh nhân. Ngoài ra là hệ thống quảng trường lễ hội, không gian trưng bày ngoài trời rất lớn.
Có hai xu hướng tìm ý kiến trúc ở cuộc thi này: Một là tuân thủ bám sát đầu bài, sự sáng tạo trong phạm vi thoả mãn về công năng, kỹ thuật và kinh tế cho phép của Việt Nam hiện nay. Hai là bay bổng, lãng mạn, thoát ra khỏi kỹ thuật thông lệ, tốn kém, thiếu nhiều chức năng trong nhiệm vụ thiết kế. Hai phương án giải A nằm trong số này, ít quan tâm đến phần trưng bày trong nhà, ngoài trời, quảng trường lễ hội, điểm này nhấn mạnh rất rõ trong đầu bài, như vậy không đáp ứng được quy mô của Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Bởi đầu bài yêu cầu trưng bày ngoài trời là 30.000m2 với nội dung rất phong phú và khu tưởng niệm danh nhân là 1.500m2. ở các cuộc thi quốc tế như thế này, bộ phận kỹ thuật của Ban tổ chức phải kiểm tra trước và thông báo cho BGK những đồ án phạm quy, sai quá 20% đầu bài.
Hai phương án được lựa chọn dựa trên hình thể tạo hình điêu khắc, chỉ có hiệu quả nhìn từ trên cao để ra: “bàn tay” và “bọc trứng”, thực chất nhìn từ các góc đường mà con người có thể cảm nhận thì không thể cảm được những ý tưởng đó .
Các góc nhìn từ dưới mặt đất chưa được nghiên cứu kỹ để người xem có thể cảm nhận được. Với chất liệu và hình khối tự do đòi hỏi phải sử dụng vật liệu mới, để có thể đáp ứng được kiến trúc thì đòi hỏi kỹ thuật xây dựng cao và chi phí xây dựng lớn gấp 3-4 lần công trình có những giải pháp khác mà có thể lựa chọn từ các phương án khác trong cuộc thi này. Liệu Chính phủ Việt Nam có thể chấp nhận với kinh phí cao hay không (?).
Ở các nước đã có nền kinh tế phát triển cao như Nhật Bản, Hàn Quốc có thu nhập GDP gấp 15 – 20 lần Việt Nam mà Bảo tàng Quốc gia cũng không xây dựng đến độ xa xỉ như 2 phương án giải A mà BGK lựa chọn.
Do hai phương án giải A được nghiên cứu bằng những hình lập thể, đặc biệt là ở phương án “bàn tay” nên dây chuyền sử dụng sẽ có nảy sinh nhiều bất hợp lý, không phù hợp cho công trình Bảo tàng. Các nhà chuyên môn về Bảo tồn, Bảo tàng cần nghiên cứu kỹ để có ý kiến với các KTS, không thì sẽ không thể thiết kế nội thất trưng bày.
Ở phương án 183173 DB thể hiện “bọc trứng” Âu cơ, các nội thất trưng bày không mang tính chất của Bảo tàng, mà người xem như được dẫn dắt đến một siêu thị.
Tiêu chí để lựa chọn không được công bố, người xem sẽ dễ nhận thấy các bài được giải chấm theo cảm tính thiên về các hình dáng bắt mắt, lạ lẫm mà ít xem xét đến công năng theo nhiệm vụ thiết kế, giới hạn đất đai, hướng nhìn công trình theo tổng thể quy hoạch.
Công việc đi tìm cái đẹp để thoả mãn nhu cầu con người là cần thiết, nhưng phải có chỗ dựa nghiêm túc từ chức năng, dây chuyền, yếu tố kỹ thuật và nguồn kinh phí cho phép. Nếu không xem xét toàn diện kỹ lưỡng sẽ gặp nhiều khó khăn cho công tác tổ chức trưng bày, công năng sử dụng kết hợp giữa trong nhà và ngoài trời, tính hiệu quả về kinh tế….
KTS NGUYỄN THÚC HOÀNG - Phó Chủ hội KTS Việt Nam: Đa số các PA thiết kế đều có lối vào từ đường vuông góc trục chính giữa 2 công viên Hoà Bình và Hữu Nghị do đó tạo thành lối vào khó mặc dù đường vào khá lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ ngoảnh lưng lại mà không có mối quan hệ xung quanh và việc lấy cây xanh mặt nước là chính thì không nên. Tôi nghĩ đầu bài nên làm rõ và khẳng định rõ cho các tác giả về mỗi quan hệ giữa lối vào từ trục chính hay công viên. Nếu giả sử vẫn theo quy hoạch có tháp Truyền hình phía Tây Hồ Tây thì công trình sẽ như thế nào?
Với một khối lượng lớn các yêu cầu của đề bài ra tôi không hy vọng đưa được yếu tố truyền thống vào được mà nên thể hiện ở phần trưng bày bên trong còn nét dáng bên ngoài công trình phải là hiện đại. Nếu để lựa chọn 1 trong 2 PA giải A thì tôi chọn PA 183173DB “Bọc Trứng”
KTS. LÊ QUANG NINH - TP. Hồ Chí Minh: Bản thân Hà Nội là một thành phố lịch sử, xứng danh là một bảo tàng sống của quốc gia. Hà Nội cũng đã có một số bảo tàng rồi, bên cạnh còn đang xây dựng Làng văn Hóa các dân tộc Việt Nam. Chúng ta nên xem xét hệ thống bảo tàng hiện có liệu đã đủ chưa? Nếu chưa thì sẽ phải làm. Nhìn chung các PA dự thi thiết kế bảo tàng Lịch sử Quốc gia đều không có PA đáng ghi nhận để xây dựng trong bối cảnh chung của quốc tế. Việt Nam nếu muốn có công trình tạo dấu ấn dân tộc như một số nước đã có thì phải thực sự xem xét một cách nghiêm túc trong việc tổ chức thi tuyển các phương án thiết kế, đặc biệt là việc mời các KTS có tiếng của nước ngoài tham gia. Các chuyên gia nước ngoài chấm ở cuộc thi này có phải là những người nổi tiếng chưa?
Tôi có cảm giác các Phương án Giải A của cuộc thi thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia chỉ là vẽ mô hình, vẽ sáng tạo cho vui, nếu xây thì không được. Ngay cả PA giải A nhà Quốc hội cũng vậy: phần bố cục chưa được, chưa êm thấm, nặng về tạo hình. Các PA tuy cũng đã tìm ra cái mới nhưng tôi thấy không hợp với Hà Nội. Kiến trúc Việt Nam vốn nhỏ bé hài hoà. Do đó nếu muốn làm một cái gì đó thì phải tìm được nét riêng của mình để đi vào lịch sử. Chiến tranh Việt Nam đã nổi danh thế giới vậy thì kiến trúc sẽ tạo được bản sắc như thế nào để tạo được dấu ấn cho bạn bè thế giới?
ThS. KTS. PHAN ĐĂNG SƠN - Viện Thiết kế/Bộ Quốc phòng: Các PA thiết kế thể hiện nghiêm túc về nghiên cứu và chứng tỏ thái độ làm nghề đáng trân trọng. Tuy nhiên, tính nổi bật độc đáo, hơn hẳn của một phương án nào đó chưa có, chứng tỏ cuộc thi chưa thu hút được các Kiến trúc sư hàng đầu thế giới tham gia, mặc dù quy mô công trình không phải là nhỏ.
Bản thân nhiệm vụ thiết kế đặt ra cũng còn hơi hướng của cơ chế bao cấp nên dĩ nhiên có ảnh hưởng đáng kể đến sự bay bổng của tư duy sáng tạo. Diện tích 10 hecta đối với một tầm vóc Bảo tàng lịch sử quốc gia là quá nhỏ dù đã được mở rộng “ảo” bằng cách đặt trong quần thể công viên 28,5 hecta, điều này thật đáng tiếc. Các phương án đều cố gắng xoay xở, gọt dũa để hợp với đề bài này.
Những ý tưởng xuất phát của các nhóm tác giả đã rất có chủ ý, tuy nhiên, ấn tượng của tôi là dường như vẫn theo một lôgic tư duy quen thuộc tầng bậc có tính đột ngột mới lạ, quy mô các phương án đều bám sát đề bài và giải quyết khá đầy đủ nhưng chưa rõ rệt khi phát triển vào tương lai.
Về quy hoạch, các đồ án đã đưa được nhiều giải pháp khác nhau để hoà nhập với không gian khu vực nhưng sức hút của bản thân công trình như một bộ phận “nhân” của quy hoạch có đặt ra không? Các yếu tố kỹ thuật và tính khả thi đối với loại công trình này không quá phức tạp và không vượt quá tầm đối với các nhà chuyên môn hiện nay kể cả Việt Nam. Hơn nữa, các nhóm tham gia phương án đã được lựa chọn về trình độ.
Công năng đối với Bảo tàng đã được các nhóm nghiên cứu khá hợp lý. Nhưng chưa nhấn mạnh được đặc thù của loại Bảo tàng lịch sử và Cách mạng, kể cả phương án đạt giải A.
Theo tôi, các nhóm tác giả đều có nghiên cứu và đã đạt được một mức độ nhất định về vấn đề này, tôi nhất trí với Ban Giám khảo về Giải lựa chọn. Tuy nhiên, ngoại trừ phương án 183173DB “Bọc trứng” là ít khiên cưỡng trong cảm nhận và đã đạt được tính đa nghĩa về biểu tượng, còn lại các phương án khác tính biểu tượng được dẫn dắt theo thuyết minh nhiều hơn và hơi “cứng”, đơn nghĩa. Kể cả phương án đạt giải A 794517AD với ý nghĩa bàn tay xây dựng đất nước thì cũng có thể áp ở bất kỳ một nước nào trên thế giới và không phải lúc nào chúng ta cũng có máy bay trực thăng bay trên trời để chiêm ngưỡng.
Thật sự chưa có một phương án nào biểu đạt được tính lịch sử cách mạng của thể loại Bảo tàng và thể hiện cho một tầm vóc quốc gia có truyền thống đặc sắc như Việt Nam.
Tôi nghiêng nhiều hơn về phương án 183173DB “Bọc trứng” với 3 lý do chính: “Biểu tượng huyền ảo hơn, Công năng mạch lạc hơn, Hình thức kiến trúc biểu đạt khúc chiết, chắt lọc hơn”. Điều cần khắc phục ở phương án này là nên nghiên cứu kỹ để khi xây dựng tạo được độ hùng vĩ cần thiết, không gian khối sảnh chạy dọc công trình còn đơn điệu và dễ mỏi mệt.
KTS. LÊ VIỆT SƠN - CTy Cổ phần Thiết kế xây dựng Hà Nội (HDC): Trước hết tôi khẳng định đây là “cuộc thi thiết kế kiến trúc” không phải “thi ý tưởng kiến trúc” vì cuộc thi đã đặt ra nhiệm vụ thiết kế rất chi tiết cụ thể và đưa ra hàng loạt các bài toán mà các đơn vị tham gia dự thi thiết kế phải giải quyết, thoả mãn nhiệm vụ thiết kế đặt ra gồm các yếu tố: quy hoạch, thiết kế công trình, vật lý kiến trúc, kỹ thuật hạ tầng, phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng, thông gió, giải pháp tiết kiệm năng lượng….và một yếu tố quan trọng là thiết kế phải có tính khả thi.
Sau khi xem 02 phương án đoạt giải A, là một kiến trúc sư đã trải nghiệm qua lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và tư vấn thiết kế xây dựng công trình, với tinh thần cầu thị tôi thấy mình có trách nhiệm nêu những ý kiến về 2 phương án thiết kế mang mã số 183173DB và 794517AD. Cụ thể:
*Tiêu chí thẩm mỹ:
Theo nhiệm vụ thiết kế, cuộc thi gửi các nhà Tư vấn thiết kế yêu cầu: “công trình có kiến trúc đẹp, vừa hiện đại, vừa đậm đà mang tính dân tộc”; “hình thức công trình phải thể hiện được công năng bảo tàng”.
Trong cả 2 phương án đều chưa thoả mãn tiêu chí trên, cụ thể hình thức công trình chưa thể hiện được công năng là công trình bảo tàng, thử hỏi trong cuộc triển lãm vừa qua nếu ban tổ chức công bố “thi thiết kế nhà triển lãm” hay “thi thiết kế trung tâm siêu thị” thì có ai thắc mắc gì về hình thức kiến trúc 2 phương án nêu trên không? Tôi dám chắc rằng không ai thắc mắc gì! Và tôi cố gắng tìm kiếm trong 2 phương án cũng chưa thấy thoả mãn tiêu chí “đậm đà mang tính dân tộc” ở điểm nào?!
*Giá trị sử dụng :
+Về quy hoạch: Trong lô đất số 07 có 02 Dự án một là Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia do Ban quản lý dự án xây dựng bảo tàng làm chủ đầu tư; hai là Công Viên Hữu Nghị do Sở Văn Hoá Thông Tin Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo yêu cầu thiết kế của Nhiệm vụ thiết kế “Tổng mặt bằng đảm bảo tính độc lập về quản lý sử dụng Bảo tàng lịch sử quốc gia, tận dụng khai thác được cảnh quan kiến trúc, môi trường của Công viên Hữu Nghị cho hoạt động của Bảo tàng nhưng không làm mất đi tính cộng đồng sử dụng của Công viên Hữu Nghị”.
Giải pháp quy hoạch tổng mặt bằng cả 2 phương án nêu trên là không rõ ràng về ranh giới quản lý ô đất, thử hỏi các nhà quy hoạch là ai có thể lập được bản vẽ “Quy hoạch sử dụng đất” của 2 phương án này? Đây là vấn đề không thể giải quyết được nếu vẫn chọn 1 trong 2 phương án trên để thực hiện. Tác giả đã nhầm lẫn việc đặt Bảo tàng trong khuôn viên công viên Hữu Nghị. Thực tế đây là hai Dự án khác nhau, thuộc 2 chủ đầu tư khác nhau, yêu cầu kết hợp không gian của hai Dự án riêng.
+ Không gian ngoài trời: Trong nội dung thiết kế công trình, nhiệm vụ đưa ra yêu cầu thiết kế không gian ngoài trời bao gồm 7 mục trong đó “không gian trưng bày ngoài trời khoảng 30.000m2, trưng bày các hiện vật thể khối lớn (máy bay, tàu thuỷ, đầu máy xe lửa…)”. Cả 2 phương án đoạt giải A đều không có không gian này, tác giả đã lý luận và đưa không gian này vào trong công trình. Việc đưa không gian trưng bày ngoài trời vào trong công trình là không đúng yêu cầu thiết kế đặt ra. Với việc trưng bày các vật thể khối lớn sẽ gây khó khăn trong việc xử lý kỹ thuật cũng như gây nên việc tốn kém trong đầu tư. Mặt khác, không kết hợp được với các không gian khác tạo ra quần thể không gian ngoài trời.
+ Giải pháp thoát người và phòng cháy chữa cháy: Cả 2 phương án đoạt giải A đều không tổ chức đường giao thông chạy xung quanh công trình, giả sử khi có sự cố công trình về hoả hoạn thì làm cách nào để các xe PCCC tiếp cận được công trình? Thoát nạn như thế nào? Hoặc giả người tham quan Bảo Tàng có vấn đề về sức khoẻ thì xe cấp cứu tiếp cận như thế nào?
+ Kinh tế: Trong khi đất nước còn khó khăn, việc đầu tư xây dựng công trình hàng nghìn tỉ đồng là sự quan tâm rất lớn của Đảng và Chính Phủ, tôi cho rằng yếu tố kinh tế và khai thác hiệu quả sử dụng của phương án thiết kế là vô cùng quan trọng.
+ Diện tích sàn xây dựng: Với phương án mang mã hiệu 183173DB, không hiểu tại sao tác giả đề xuất xây dựng 12.000m2 sàn sử dụng trong khi nhiệm vụ thiết kế yêu cầu đặt ra 90.000m2 sàn?!
+ Tiết kiệm năng lượng: Trong nhiệm vụ thiết kế đã nêu rất kỹ về đặc điểm điều kiện tự nhiên với độ ẩm, nhiệt độ khí hậu và hướng gió. Cả 2 phương án đều chưa nghiên cứu khai thác các yếu tố này một cách cụ thể, công trình đặt trên mặt hồ sẽ ảnh hưởng tới việc bảo quản vật trưng bày vì độ ẩm rất lớn. Nếu tác giả đặt công trình đầu hướng gió, tổ chức tốt thông gió tự nhiên thì có thể tiết kiệm năng lượng sử dụng đến 30% trong việc sử dung thiết bị bảo quản vật trưng bày.
Với lập luận trình bày ở trên, tôi đưa ra câu hỏi: Tiêu chí nào để lựa chọn 2 phương án mang mã số 183173DB và 794517AD đoạt giải A?
PHƯƠNG ÁN: 200092VT – GIẢI KHUYẾN KHÍCH
PHƯƠNG ÁN: 474447CV – GIẢI KHUYẾN KHÍCH
PHƯƠNG ÁN: 130938SA – GIẢI KHUYẾN KHÍCH
PHƯƠNG ÁN: 243007AH – GIẢI KHUYẾN KHÍCH
GS.TS.KTS. NGUYỄN VIỆT CHÂU - Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Theo tôi phương án 794517AD là được nhất bởi nó hài hoà trong tổng thể cảnh quan công viên Hữu Nghị, khu đô thị Tây Hồ Tây, Công viên Hoà Bình. Hình thức kiến trúc hiện đại, thể hiện được sự phát triển về trình độ khoa học công nghệ, văn hóa, kinh tế của đất nước thời kỳ đầu thế kỷ XXI. Quy mô công trình phù hợp với chức năng sử dụng. Công trình đủ yếu tố để trở thành di sản văn hóa của Việt Nam trong tương lai. Giải pháp kỹ thuật của công trình có kết cấu, chiếu sáng, thông gió và giao thông bên ngoài hợp lý.
Cuộc thi có thể nói là thành công khi 18 phương án dự thi đều thể hiện sự đầu tư nghiên cứu, 2 PA đạt giải A là khá nhất, song từng phương án còn tồn tại những điểm cần điều chính sửa chữa về quy hoạch. Từ hệ thống giao thông của khu vực vào công trình cần nghiên cứu thêm đường vào, đường ra. Đặc biệt là mối quan hệ với công viên Hoà Bình. Theo tôi nên là một công viên nối kết chức năng của hai phần thành một tổng thể khu công viên.
Về tổ chức không gian bên trong và dây chuyền chức năng của công trình ở cả 2 PA phải được nghiên cứu cẩn thận hơn nữa. ở bước này chưa phải là nghiên cứu chi tiết, phải đạt hai tiêu chí hiện đại và dân tộc. Hiện đại ở chỗ cần sử dụng không gian kết cấu hiện đại. Hình khối gọn, đơn giản, ngôn ngữ không gian trong sáng, sạch sẽ. Dân tộc ở chỗ: Không nên quá đơn giản (ví dụ làm cả toà nhà hình trống đồng hoặc trồng cây theo hình bản đồ Việt Nam). ý tưởng nên để người xem phải suy ngẫm mới nhận biết. ở phương án 794517AD có thể cảm nhận ngay được tính hiện đại với hình tượng cánh hạc bay lên nhẹ nhàng, thanh thoát biểu hiện sự gần gũi của trang trí trống đồng - Một hình ảnh quen thuộc với người dân.
Phương án cần sửa một số nhược điểm như: Không tạo được không gian lớn (ở phần có thể tạo được không gian lớn thì lại bị thấp). Cần điều chỉnh cho gọn và sạch khối, tránh chi tiết và tăng phần đậm đặc (đặc trưng của bảo tàng). Phần dân tộc ở phương án này không rõ ràng.
KTS. NGUYỄN VĂN ĐỈNH - Khoa Kiến trúc trường ĐHXD: Hai PA đạt giải A thể hiện được tính hiện đại và khả năng thể hiện hình tượng khi nhìn từ trên cao. Giải pháp kỹ thuật cho cả hai phương án đều giải quyết được. Tuy nhiên để đảm bảo tiêu chí về quy hoạch cần phải điều chỉnh để đảm bảo sự hài hoà giữa hai công viên dự kiến trong quy hoạch.
Vấn đề tổ chức không gian: Cả PA đều không chú ý đến phần trưng bày ngoài trời. Về mối quan hệ giữa các khối triển lãm, trưng bày, chưa có giải pháp tính giao thông, thoát người khi luồng không gian kết thúc giai đoạn, tìm hiểu.
Cả hai PA chưa chú ý đến hình khối khi tiếp cận từ mảnh đất.
KTS. LÊ ĐÌNH TRI - Phó vụ trưởng vụ Kiến trúc quy hoạch – BXD: PA 183173DB (Bọc trứng) là PA tốt về mọi mặt so với các PA khác nhưng giải pháp tổng thể còn quá đóng kín, tính mở kém, thiên về bảo tồn trường cửu. Về phương án 794517AD ( Bàn tay) là PA có tính biểu hiện cao và hiện đại hơn nhưng thực tế còn quá dàn trải, thưa thớt, công năng rời rạc, thiên về trưng bày triển lãm hơn là trưng bày bảo tàng. Do đó cả 2 PA cần tiếp thu góp ý, nâng tầm công năng theo đúng yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế và hài hòa các công năng cơ bản của bảo tàng, bảo tồn lưu giữ, trưng bày.
KTS. BÙI XUÂN TÙNG - Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội: Với diện tích dành cho Bảo tàng khoảng 10ha trong một không gian mở là Công viên Hữu Nghị, chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của Ban Tổ chức cuộc thi, khi gắn việc Nghiên cứu Bảo tàng trong một tổng thể chung gồm các chức năng: Công viên – Hồ nước và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nằm trong một khu vực đã có QHCT và tổ chức không gian kiến trúc đã được định hình tương đối rõ nét, vì vậy, theo quan điểm quy hoạch, việc nghiên cứu quy hoạch tổng mặt bằng cho công trình cần thoả mãn một số yêu cầu sau:
- Gắn kết các chức năng trong một tổng thể thống nhất (ở đây nói đến 3 chức năng công viên - hồ điều hoà - bảo tàng.
- Đảm bảo tính tiếp cận (các công trình đều là công trình công cộng - tổ chức quảng trường phía trước công trình, tổ chức công viên mở, tổ chức giao thông liên kết các chức năng)
- Là điểm nhấn, công trình kiến trúc trọng tâm.
- Hài hoà trong một tổng thể (hay tính liên kết về không gian kiến trúc với quy hoạch khu vực lân cận).
Công trình nếu được nghiên cứu xử lý ánh sáng tốt (bao gồm cả bên trong và bên ngoài công trình) sẽ đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao hơn.
Một số vấn đề cần lưu ý khác:
Hồ trong khu vực nghiên cứu, vừa là yếu tố tạo cảnh quan, song đồng thời có chức năng là hồ điều hoà, tham gia vào hệ thống thoát nước chung của khu vực. Vì vậy, cần đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật khác liên quan đến hạ tầng kỹ thuật khu vực trong giai đoạn quá độ thực hiện dự án như:
- Đảm bảo nước tưới cho đất nông nghiệp khi chưa đô thị hóa hoàn toàn khu vực.
- Đảm bảo thoát nước khu vực dự án và khu vực dân cư hiện có không bị ảnh hưởng xấu.
- Đảm bảo khớp nối tốt về hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án đã và đang triển khai trong khu vực.
- Chức năng ô đất công trình công cộng phía Tây khu vực nghiên cứu có thể đề xuất chuyển đổi chức năng làm công viên cây xanh để tăng diện tích khu cây xanh đảm bảo yêu cầu sử dụng.
KTS. NGUYỄN LUẬN - Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Các ý tưởng kiến trúc không có gì mới, cũng chưa thật sự là nguyên khởi của tạo hình kiến trúc, nhưng vẻ thẩm mỹ tạo hình của hình khối, thân thiện với môi trường, các giải pháp kỹ thuật có tính sinh thái đã thực sự chinh phục và tạo được xúc cảm thẩm mỹ. Vẻ đẹp tự thân của chúng khiến ta không cần đọc thuyết minh, chưa cần xem xét kỹ công năng, đã có sức hấp dẫn tầm quốc tế và kể từ lúc này chúng đã thực sự có giá trị thẩm mỹ kiến trúc đáng tự hào.
Đó là lý do để tôi có kỳ vọng về một niềm tự hào quốc tế về kiến trúc Việt Nam hiện đại qua cuộc thi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia này. Và nếu có thể công bố những đánh giá của hội đồng sẽ rất có ích cho cộng đồng. Đó cũng là những bài học và định hướng thẩm mỹ kiến trúc cho người dân và giới chuyên môn trong nước.
Trong hai PA được xếp loại A, tôi thiên về PA 183173 DB vì giải pháp sinh thái và ý đồ tổ chức không gian tổng thể của phương án. ý tưởng được viết ra chưa thật là nguyên khởi của tạo hình kiến trúc nhưng rất rõ về ý đồ tổ chức không gian, cả cho tổ chức Bảo tàng và cho cảnh quan khu vực Hồ Tây đầy huyền thoại.
Với lối tiếp cận huyền thoại Việt, PA đã xác định hướng đi chính xác, ngắn và thuyết phục cho công trình Bảo tàng lịch sử Quốc Gia Việt Nam.
Cái lý mà tôi không chọn phương án loại A (mã hiệu 794517 AD) là vì nó “nghèo” về ý tưởng hơn so với đồng hạng. Nét nổi bật của PA này chính là giải pháp tạo hình: Đẹp, hiện đại, kỹ sinh thái, chưa từng có. Nhưng tín hiện bàn tay chung chung-banal, không đặc trưng, không mang ý nghĩa. Về mặt tạo hình kiến trúc, tôi cho rằng PA có tầm quốc tế đồng hạng với bất kỳ tác phẩm kiến trúc quốc tế đương đại nào. Tuy nhiên các cây cầu tiếp tục các “ngón tay” dễ tạo ra các “phản cảm thẩm mỹ, ngón tay quá dài”.
PA 183173 DB, nên dùng một “biến dị tạo hình”, anomaly, để giảm bớt (một phần rất nhỏ) tính đều (đơn) của giải pháp mặt đứng. Dùng anomaly này để biểu hiện rõ và sâu sắc hơn tính huyền thoại, bởi đây là điểm mạnh của phương án.
Tổ chức không gian công viên Hữu Nghị: Cây xanh, mặt nước lúc thì khiên cưỡng (hình dáng quá thật), lúc thì quá sơ (chưa rõ ý đồ). Có lẽ do thời gian còn hạn hẹp và phải tập trung vào trọng tâm đồ án nên phần này chưa được nghĩ sâu.
KTS. TRẦN THANH - Hội kiến trúc sư Việt Nam: Theo tôi nên chọn PA 7974517AD . Vì mặt đứng vui, mọi người dễ nhận biết, mặc dù khó có thể nhận biết Bàn Tay, bởi ý tưởng này chỉ có thể thấy từ trên cao.
PA 183173DB (Bọc trứng): Cũng chỉ là “ ý tưởng” của KTS, thực chất cũng khó nhận biết là quả trứng, nhưng mặt đứng “buồn tẻ”, thô, và khô khan. (Trong khi mặt đứng bàn tay có đường nét đẹp, góc trái của công trình gây cảm giác đẹp và hiện đại, dễ thu hút sự chú ý của công chúng. Phù hợp với tình cảm của người Việt Nam).
Lưu ý: Kiến trúc hình tượng (biểu tượng) là khái niệm hoài tưởng, cộng đồng khó hiểu được ý tưởng của nó, nó chỉ là tổng mặt bằng, trên mặt đứng chẳng có ý nghĩa gì. Ví dụ: “ Chim đại bàng”, “hoa sen”, “trống đồng ”…”Qủa trứng”, “bàn tay”…Nếu không quan tâm lớn về ý nghĩa trên, thì điều cần có là mặt đứng của công trình sao cho đẹp, dễ nhận biết.
KTS. HOÀNG THÚC HÀO: Về 2 PA đạt giải A:
PA 183173 DB (Bọc trứng): Có khối tích quá lớn so với mặt nước; Giữa thuyết minh với thể hiện ý tưởng hình khối kiến trúc không khớp nhau (ngôn ngữ kiến trúc không nói lên đúng với ý nghĩa gán cho nó); Phần nội thất có cảm nhận giống như chức năng của siêu thị, sân bay chứ chưa phải là ngôn ngữ không gian của một bảo tàng.
Lối vào chính, trục tổng hợp chưa ăn nhập với tổng thể trục chính của không gian đô thị xung quanh.
PA 794517AD (Bàn tay) có hình thức ấn tượng, Các điểm nhìn mặt đứng từ các phía phong phú, hấp dẫn. Về ý nghĩa bàn tay làm nên lịch sử còn quá chung chung. Phương án đem lại cảm nhận tốt về không gian nhưng liệu với năm nhánh xẻ ra thì công năng có bị ngắt quãng hay không, có đảm bảo tính liên tục về công năng của bảo tàng hay không? Phương án bàn tay có thể chỉnh sửa tốt hơn được.
KTS LƯU TRỌNG HẢI - Thành phố Hồ Chí Minh: PA 794517AD (bàn tay) có ý tưởng khái quát hơn cả, không chỉ cô đọng vấn đề lịch sử mà còn vươn tới tương lai. Bàn tay xây dựng lịch sử, bàn tay nối tiếp tương lai có ý nghĩa rất hay. Phần biểu hiện trông đẹp, thiết kế mạch lạc, rõ ràng, không giống một bảo tàng nào trên thế giới.
PA 183173 DB (Bọc trứng) cũng có ý tưởng tốt nhưng công trình hơi đồ sộ quá, gây cảm giác nặng nề, không phù hợp với nét riêng của người Việt Nam - Kiến trúc vốn nhỏ nhắn mà tinh, đặc biệt công trình thường mang tính biểu cảm tâm hồn nhiều hơn. Mặt bên không thấy bóng dáng của một bảo tàng mà là một sân vận động nào đó.
Tuy nhiên vấn đề tổ chức lối ra vào, tổ chức dây chuyền tham quan giữa các khối công trình là vấn đề lớn đặt ra đối với phương án này, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Một vấn đề quan trọng cần đặt ra là Quy hoạch chung giữa bảo tàng với khu ĐTM Tây hồ Tây sẽ như thế nào? Cần chú ý khi bảo tàng xây lên rồi phải có sự liên hệ với khu ĐTM Tây Hồ Tây cho thật sự hài hoà.
KTS. NGUYỄN HỮU THÁI - Thành phố Hồ Chí Minh: Do thời gian tổ chức cuộc thi quá cập rập (tháng 3 đến tháng 9/2007), cho nên ban tổ chức đã không làm được theo đúng thông lệ quốc tế là tiến hành từng bước một: khởi đầu mở cuộc thi ý tưởng rộng rãi, chọn trong số đó các phương án thi tiếp đợt hai, để kết thúc bằng việc tuyển chọn phương án tốt nhất cuối cùng.
Nhìn chung các phương án đề xuất đều dứt khoát từ bỏ kiểu kiến trúc nhại cổ, nhại Pháp, nhại Xô Viết giả tạo và lỗi thời, và cả lối kiến trúc hiện đại quốc tế khối hộp vô hồn, để tạo ra được một phong cách công nghệ cao mang tính khu vực thời hậu- công nghiệp. Chúng cũng mong muốn thể hiện tính biểu trưng nào đó qua hình khối của mình.
Ta có thể nhìn thấy gì qua 2 phương án đoạt giải A:
- PA 183173 DB (Bọc trứng) với một khối nhà trưng bày gấp khúc lô xô, soi bóng thật ấn tượng trên mặt hồ, nổi bật trên 1 phông nền cây xanh nhiệt đới.
- PA 794517AD (Bàn tay) mang hình tượng 5 chiếc nan quạt làm mái che toàn khu trưng bày, xuất hiện mạnh mẽ giữa một vùng cây xanh, mặt nước.
Các phương án đều khá độc đáo, tiếp cận được xu hướng bảo tàng mới, gắn được phần trưng bày trong nhà và ngoài trời, tạo mối liên kết giữa hình ảnh và hiện vật. Không gian mở giúp việc trưng bày linh động hơn, không cứng nhắc theo kiểu trưng bày cũ, dễ dàng chuyển sang các loại hình hoạt động khác sinh động hơn. Chúng đều khai thác được cảnh quan, tổ chức giao thông thông minh và đặc biệt gây ấn tượng với nhiều nền kiến trúc hậu-hiện đại. Sử dụng năng lượng mặt trời, tạo thông thoáng gió tự nhiên là các ưu điểm khác. Tuy vậy, các phương án cũng bộc lộ một số nhược điểm như: không chú ý đến khí hậu ẩm ướt ở miền Bắc (dễ làm hỏng hiện vật trưng bày) khi đặt toàn bộ công trình trên hồ nước, lưu trình nhiều chỗ chưa phù hợp, thiếu diện tích mặt đất cho trưng bày ngoài trời khi quá sa đà vào việc đặt toàn bộ công trình trên mặt nước. Giải pháp an ninh cho công trình cũng chưa được nghiên cứu kỹ…
Mong rằng phương án nào cuối cùng được được chọn sẽ đón nhận những góp thực tế về xây dựng để công trình được hoàn thiện hơn.
TS. KTS. PHẠM TỨ - Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ CHí Minh: Đây là cuộc thi có nhiều đơn vị tư vấn trong và ngoài nước tham gia. Các phương án được nghiên cứu nghiêm túc, thể hiện được nội dung cuộc thi yêu cầu và tính biểu tượng về thể loại công trình. Tôi đồng tình với kết quả lựa chọn của hội đồng giám khảo về 2 phương án xếp loaị A.
Phương án 183173 DB: Lấy ý tưởng mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng làm ý tưởng chủ đạo là xuất phát điểm cho lịch sử Việt Nam. Một cách phát hiện mới khá gần gũi, tinh tế, dễ chấp nhận. Phương án có những ưu điểm nổi bật: Không gian kiến trúc hoành tráng, ngôn ngữ kiến trúc thống nhất và đơn giản, tác giả khai thác ý tưởng “ Mẹ Âu Cơ” khá thành công. Tuy nhiên theo tôi phương án có một số mặt hạn chế:
Về công năng: Lối vào trên trục chính quá dài, tạo cảm giác đơn điệu khi tổ chức các không gian trưng bày. Nếu có không gian chính phụ thay đổi được sẽ dễ chịu hơn, cách tổ chức không gian (nội, ngoại thất) của công trình dễ cho cảm giác giống như nhà triển lãm hay trung tâm thương mại hơn là không gian nhà bảo tàng. Bao che bên ngoài công trình là các tấm che nắng có kích thước lớn, tạo tỉ lệ xích quá lớn với vóc dáng con người cho nên cảm nhận về hình thức kiến trúc nặng và thô. Điều đáng quan tâm về quy hoạch chưa phù hợp là vị trí đặt hồ nước phía sau công trình (không nên) và phần xây dựng thót hậu “ đầu to đuôi bé” (tối kỵ)
Phương án 794517AD: Lấy hình ảnh về bàn tay lao động, bàn tay chiến đấu, bàn tay xây dựng…bàn tay viết lên lịch sử làm ý tưởng phương án cũng là một phát hiện mới, độc đáo rất sáng tạo. Ưu điểm nổi bật của phương án là sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa hình thức và nội dung. Các không gian sảnh chính được bố trí ở lòng bàn tay, không gian trưng bày ở các ngón tay, giữa các ngón tay là không gian trưng bày ngoài trời rất có duyên, hợp lý và phù hợp với dây truyền về trưng bày trong bảo tàng vừa đáp ứng yêu cầu độc lập cho từng khu vừa đáp ứng được yêu cầu tổng thể về một chủ đề. ở phương án này có sự gắn kết khá tốt giữa các yếu tố đất - nước - công trình do đó các không gian chức năng và hình thức nội ngoại thất rất phong phú và sinh động cũng là một ưu điểm nổi trội của phương án.
Nhược điểm là công trình đặt sát đường, không gian đón khách hạn chế thiếu một không gian chuyển tiếp cần thiết đối với thể loại công trình quan trọng (nên tạo ra quảng trường lớn hơn). Ưu điểm của sự độc đáo và sinh động đối với các không gian chức năng, cũng có thể là một hạn chế bởi tích chất của bảo tàng lịch sử? Xong tôi hoàn toàn ủng hộ phương án này về một ý tưởng mới hiện đại và công trình có bản sắc riêng.
KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG - TP Hồ Chí Minh: Công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được bố trí trong một quy hoạch chưa được định hình, xây chen vào ô đất dành cho hồ điều tiết và công viên nhỏ, kế bên lại là một khu dân cư hỗn độn, mật độ xây dựng quá lớn trong khu đất hẹp khiến các phương án như che lấp, chồm hẳn lên một cái hồ, dùng để chứa nước ngập mùa lũ, chỉ có một đường độc đạo ra vào Bảo tàng.
Hai PA đạt giải A, đang cố gắng phô diễn một dạng kiến trúc “hightech” mà kiểu dáng của nó có thể là bất cứ danh xưng nào cũng được như: siêu thị, nhà hát, khu triển lãm, hội chợ hay một khu vui chơi giải trí. Chưa nhìn thấy một kiến trúc mang đặc thù của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhưng hiện đại, đảm bảo công năng bền vững...
PHƯƠNG ÁN: 333333AV
PHƯƠNG ÁN: 200300AA
Ý KIẾN CỦA CÁC CHUYÊN GIA BẢO TÀNG, VĂN HÓA
ÔNG TRIỆU VĂN HIỂN- Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Nhìn vào các phương án thiết kế, đặc biệt các phương án được đánh giá cao (giải A và giải Khuyến khích), chúng tôi vẫn còn thấy bộc lộ các yếu điểm về công năng sử dụng của một ngôi nhà Bảo tàng. Đặc biệt nhìn chung các hình dáng tổng thể (ta vẫn thường gọi là form) của các tòa nhà chưa có gì độc đáo, vẫn còn ít yếu tố dân tộc. Tất nhiên, ở đây tính dân tộc không cứ phải là mái đình mái chùa, vì đây là một dấu ấn kiến trúc Việt Nam ở đầu thế kỷ 21. Nhưng nếu như nhìn vào tòa nhà, bất cứ người Việt Nam nào (hoặc chỉ ít đa số) cũng phải nhận biết được ngay đó là Việt Nam, thì chắc chắn sự cảm nhận, sự chiêm ngưỡng và sự hưởng thụ các giá trị của di sản văn hóa sẽ còn cao hơn nhiều.
Nếu xét cả hai phương án trên, tôi cho rằng PA 183173DB “Bọc trứng Âu Cơ” có vẻ thuyết phục hơn, còn phương án 794517 AD - “Bàn tay” làm nên lịch sử có kết cấu thành 5 dải” như 5 ngón tay trên một bàn tay có ưu điểm là lấy được nhiều ánh sáng tự nhiên, nhưng hơi vụng, trông rối và khi trưng bày sẽ không tập trung, khó tạo tuyến thăm quang thống nhất, liền mạch.
Phương án 183173 DB có ưu điểm là kiến trúc tập trung liền một khối, kể cả khu tưởng niệm doanh nhân tuy là một khối kiến trúc riêng, nhưng cũng gắn được trong tổng thể qua một cây cầu và cùng trên một hồ nước. Bên cạnh đó vườn hoa chính của công viên được tạo thành một bờ biển xanh hình chữ S – giải bờ biển Tổ Quốc thân yêu của chúng ta. Nhưng, theo chúng tôi, khi thiết kế kỹ thuật phải lưu ý đến tính hợp lý về mật độ đất xây dựng. Như chúng ta đã biết ở Hà Nội một số công trình lớn, mặt độ đất xây dựng được xác định như sau: Cung Văn hóa lao động Hữu Nghị có mật độ xây dựng là 3,5%; Phủ Chủ tịch có mật độ xây dựng là 3% và mật độ xây dựng thông thường của các biệt thự Hà Nội là 30%. Vì vậy nếu đất của Bảo tàng Lịch sư Quốc gia Việt Nam giữa hồ và một ít đường đi xung quanh hồ thì mật độ xây dựng là quá lớn được thể hiện như mô hình là không hợp lý.
Ngoài ra, nếu toàn bộ tòa nhà Bảo tàng nằm gọn giữa hồ, thì như vậy các gian trưng bày, các nhà kho lưu giữ hiện vật của bảo tàng cũng nằm trong hồ, bên cạnh nước ngập ngoài tường nhà quanh năm. Điều đó sẽ phải đặc biệt lưu tâm đến vấn đề điều hòa nhiệt độ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các di sản văn hóa vật thể có trong bảo tàng. Đồng thời ở đây cũng phải tính đến công năng của hồ. Như qui hoạch của thành phố thì đây là hồ rộng khoảng 8 ha làm nhiệm vụ điều hòa cho cả khu vực. Vậy các nhà thiết kế cũng cần phải xem xét mực nước lên xuống theo mùa. Nếu mùa mưa úng ngập thì sao? Đặc biệt mùa khô, nước trong hồ cạn trơ sườn nhà, hở móng nổi của ngôi nhà ra (như các cột bêtông của khách sạn Thắng Lợi trên Hồ Tây) thì sẽ rất phản cảm.
Một điều băn khoăn nữa là, nếu kết cấu như hiện nay toàn bộ không gian trưng bày của các phần: Trưng bày thường trực, trưng bày nhất thời và trưng bày ngoài trời sẽ nằm gọn trong một khối nhà, thế thì phần trưng bày ngoài trời, phần sân Bảo tàng để tổ chức các hoạt động vui chơi của khách tham quan sẽ không còn nữa.
Trong khi đó ý tưởng của các tác giả phương án Bọc Trứng Âu Cơ định chia tòa nhà thành hai khu và lối đi giữa hai khu nhà sẽ là phần trưng bày ngoài trời. Nếu vậy sẽ bất hợp lý ở chỗ là các hiện vật trưng bày ngoài trời (theo định hướng nội dung đề cương trưng bày) bao gồm các hiện vật lớn quá cỡ, các công trình kiến trúc mang đậm bản sắc của các dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam, các phần phục dựng các di tích lịch sử, văn hóa bất động sản tiêu biểu…sẽ chỉ xếp hàng “tăm tắp” ở giữa lối đi của hai phần tòa nhà. Như vậy chắc không ổn. Bởi vì mỗi hiện vật, mỗi một công trình kiến trúc được giới thiệu ngoài trời là cả một công trình văn hóa gắn liền với một cảnh quan, không gian hợp lý, gắn với một “môi trường sống” của công trình ấy.
Ngoài ra, nếu tòa nhà là một khối kính sáng để tận dụng ánh sáng tự nhiên cho trưng bày, thậm chí tận dụng sức nóng của mặt trời nhiệt đới cho việc tiết kiệm điện, thì sẽ khó khăn cho việc thể hiện các Diorama, các cảnh tượng lịch sử - Những yếu tố bắt buộc trong trưng bày của các Bảo tàng lịch sử hiện đại phải có.
ÔNG PHẠM QUỐC QUÂN - Giám đốc Bảo tàng lịch sử. Hai PA đạt giải A có hình dáng đơn giản, mạch lạc. Nếu nói PA “ bọc trứng” tôi lại liên tưởng đến con rùa ngậm thanh gươm thì đúng hơn. ở thiết kế này phần trưng bày ngoài trời rất khó trưng bày, chỉ có độc nhất một lối ra vào nên sẽ dấn đến nhiều bất lợi trong khâu giao thông. Thiết kế thiếu khoảng trống lấy ánh sáng, cây xanh. Khối tích công trình nặng, quá đặc.
PA giải A - “ Bàn tay” có phần “ lém” hơn. Tôi nghiêng hơn về phương án này.
Giải pháp giao thông đối với một bảo tàng rất quan trọng, ngoài ra công năng, kho tàng, ánh sáng cũng phải hết sức chú trọng cho phù hợp. Cả 2 PA giải A đều không thể hiện rõ phần trưng bày ngoài trời. Đặc biệt là PA “bọc trứng”. Với những hiện vật cao tới 7 m thì sẽ giải quyết như thế nào? Phần tưởng niệm ở cuối công trình là không gian mang tính biểu tượng, gây ấn tượng cho bảo tàng, tạo phần tĩnh lặng cho người xem. Còn về giải pháp giao thông sẽ giúp ứng phó trong tình huống hoả hoạn.
PGS.TS. NGUYỄN VĂN HUY - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - Chủ tịch hội dân tộc học và Nhân học Việt Nam: Tôi thấy hai phương án được giải chưa thỏa mãn.
Về hình thức kiến trúc vẫn mang tư tưởng bó hẹp, quá nặng nề, nhiệm vụ thiết kế không chuẩn lắm, dây chuyền công năng chưa hẳn là thiết kế cho bảo tàng. Hình như bên thiết kế vẫn chưa có kinh nghiệm làm bảo tàng, nên vẫn còn lộn xộn và chưa đảm bảo cho việc bảo quản hiện vật…
Các kiến trúc sư khi thiết kế cần thiết phải am hiểu về bảo tàng hoặc có thực tế thiết kế bảo tàng thì mới có thể cho ra một sản phẩm ưng ý có tính công năng và sử dụng cao.
Về PA “bàn tay”: Nhìn chung cũng bắt mắt người xem nhưng quá nhiều mảng chia tách không hợp với một công năng bảo tàng. Có một dáng dấp lặp đi lặp lại, nhìn rất nặng nề và nhàm chán.
Về PA “bọc trứng”: ý tưởng này mang tính chất hình học, trừu tượng, không cụ thể. Mà cụ thể thì cũng khó bay bổng, khó hòa mình vào ý tưởng. Nhưng hình khối cũng nặng nề và chiếm nhiều diện tích quá làm cho nó quá to so với tổng thể của công viên.
Có một điều dễ nhận thấy là đất thì rất quý mà không gian ở đây lại dùng làm hồ nước quá nhiều và lãng phí, làm cho diện tích trưng bày ngoài trời là hạn chế.
Khu tưởng niệm nên khai thác tối đa đường nét nghệ thuật kiến trúc dân tộc. Còn với công trình chính nên nhấn vào kiến trúc hiện đại mang hơi hướng dân tộc, nên nhấn vào nét hiện đại làm chủ đạo.
Ngoài ra đề bài đưa ra chưa đồng nhất. Chẳng hạn đề bài yêu cầu một thiết kế mang đậm bản sắc dân tộc Viêt Nam, mà kiến trúc hình khối mang đường nét dân tộc thì đúng là làm khó cho các kiến trúc sư. Khó có thể vừa hiện đại lại vừa mang đậm nét dân tộc được. Theo tôi đề bài không nên ra một cái gì đó quá cụ thể như thế. Mà phải nhấn vào tính hiện đại, tính thời đại là quan trọng nhất, phải trừu tượng nhất, để nhà thiết kế được thỏa chí sáng tác.
Nếu thật sự chưa thỏa mãn người xem ta nên mạnh dạn có thêm một cuộc thi khác để có một công trình để đời. Tại sao không sử dụng thêm chất xám của các nhà KTS nước ngoài để có thêm nhiều ý tưởng, nhiều lựa chọn tốt hơn?
ÔNG TRƯƠNG QUỐC BÌNH - Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Về tổng thể, các phương án đều có hình thức kiến trúc tốt, mang tính mỹ thuật và kỹ thuật cao, nhưng vẫn còn thiếu bản sắc truyền thống dân tộc Việt Nam. Chưa thấy được rõ nét dáng của kiến trúc truyền thống Việt Nam qua các phương án đạt giải.
Nhìn chung các phương án đạt giải đều chưa đạt dưới góc độ bảo tàng học. Các phương án đạt giải hầu hết đều đặt trên hồ nước, đây là một điều vô cùng bất lợi cho công tác bảo quản và trưng bày hiện vật do độ ẩm cao, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng bảo quản cũng như chi phí lớn cho công tác bảo quản hiện vật có giá trị. Về mặt công năng, bảo tàng bao gồm 2 chức năng chính là trưng bày và lưu giữ hiện vật. Các phương án đạt giải đã bố trí các không gian trưng bày còn cần chú ý rất nhiều đến đặc thù của việc trưng bày với các tải trọng và chiều cao rất khác nhau sao cho có thể thoả mãn được.
Không gian lưu trữ và bảo quản còn rất thiếu bao gồm: Kho bảo quản, các phòng thí nghiệm chuyên dụng. Không gian này rất quan trọng và đòi hỏi diện tích rất lớn, gần tương đương với diện tích trưng bày, nhằm không chỉ lưu giữ bảo quản hiện vật mà còn gồm các thiết bị hiện đại để phục chế lại các hiện vật có giá trị và chất liệu khác nhau trong quá trình trưng bày. Vấn đề giao thông vận chuyển hiện vật và phương tiên chuyên dụng của bảo tàng cũng cần phải được xem xét và chỉnh sửa thêm cho phù hợp.
ÔNG ĐẶNG VĂN BÀI - Cục trưởng Cục Di sản: PA “bọc trứng” đã tách được làm 2 khu tách biệt, nếu xây dựng thì phải chỉnh sửa khối tích 2 PA giải A, một khối thì quá mang tính khái quát, một khối lại quá mang tính biểu tượng. Cái kiêng kỵ của cả 2 PA đạt giải A là đều nằm trên một mặt nước rộng quá, cần thu hẹp lại. Không có lý do gì chúng ta tự tạo nó rồi lại phải dùng phương tiện hiện đại, công nghệ hiện đại, tốn kém tiền của để khắc phục lại chính cái chúng ta tạo nên. Cả 2 PA đều phải tìm cách tăng cường không gian để chúng ta có thể trưng bày ngoài trời. Các nhà thiết kế ở đây đều có quyền gợi ra những ý tưởng quy hoạch mới, tạo thành những trục giao thông mới đẹp hơn.
GS. PHAN KHANH - Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa: Cuộc thi đã đưa ra được một số PA thiết kế về một công trình mang ý nghĩa lớn của đất nước trong thời kỳ mới để chúng ta cùng xem xét. Tuy nhiên, với những kết quả từ cuộc thi này theo tôi cần phải vận động một cuộc thi nữa để nhiều đối tượng có thể tham gia hơn, đặc biệt là người Việt Nam.
Đối với một công trình bảo tàng yếu tố quan trọng là nó phải đạt được tính cụ thể vì chức năng của nó là để trưng bày hiện vật. Không nên quá thiên về sự phóng tác ý tưởng trong không gian bảo tàng. Công trình phải thể hiện được tính hàn lâm - sao cho nét dáng của công trình đến từng chi tiết nên thể hiện là ngôi nhà (ngôi đình) Việt Nam thời hiện đại. ở các PA này tôi không thấy có nét dáng gì của Việt Nam mà rất chung chung, mơ hồ, xây ở đâu cũng được. Các PA tuy phần nào đạt được tính thẩm mỹ nhưng chưa thực sự phù hợp với quy mô, tính chất của công trình. Bảo tàng Quốc gia phải đạt yếu tố hàn lâm để thể hiện nét văn hóa Việt Nam cao hơn. Các tác giả cần đi sâu hơn nữa vào văn hóa Việt Nam, tạo ra một công trình mang tầm cỡ quốc gia trong bối cảnh chung của khu vực.
Cụ thể về PA Giải A 794517 AD ( PA bàn tay) có nét sáng tạo, tuy nhiên bàn tay mà móng vuốt dài quá gây phản cảm về thẩm mỹ, không đúng với ý nghĩa một bàn tay mềm mại của người Việt Nam.
Về PA 183173DB: Vận dụng ý tưởng từ truyền thuyết lạc Long Quân - Âu Cơ - Bọc trăm trứng cũng rất có ý nghĩa. Tuy nhiên với không gian giữa hai khối nhà dùng để trưng bày ngoài trời thì với đặc trưng các hiện vật trưng bày ngoài trời liệu có phù hợp hay không? Nhìn chung cả 2 PA đạt giải còn một số nhược điểm sau:
Các công trình đều được đặt trên hồ nước lớn là điều cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc. Nhiều bảo tàng trên thế giới có hồ nước ở trước nhưng nếu đặt toàn bộ bảo tàng trên hồ nước thì chưa thấy. Công trình đặt giữa hồ khâu bảo quản hiện vật sẽ như thế nào? Những giải pháp này chỉ mới chú ý về mặt thẩm mỹ chứ không mang tính ích lợi, khoa học.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được xây dựng ở một khu quy hoạch mới với hệ thống 2 công viên lớn là công viên Hoà Bình, công viên Hữu Nghị và khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Đây là lợi thế và công trình sẽ có vai trò quan trọng trong tổng thể khu vực. Tuy nhiên, cả hai phương án đều chưa thực sự thể hiện được phối cảnh không gian trong mối quan hệ giữa công trình và khu vực.
PHƯƠNG ÁN: 070874AK
PHƯƠNG ÁN: 301206CA
CÁC Ý KIẾN KHÁC
BÀ TÔ THỊ TOÀN - Văn phòng Quốc hội: Cả 2 PA đạt giải nhìn chung chưa đảm bảo 100% nhiệm vụ thiết kế đề ra. Nếu đưa ra 2 PA giải A theo Hội đồng chấm giải thì theo tôi nên lựa chọn PA 183173 DB bởi nó hài hoà với cảnh quan Khu ĐTM Tây Hồ Tây và có thể tạo nên một dấu ấn về kiến trúc của Thủ đô trong hiện tại và tương lai. Hình thức kiến trúc hiện đại, công năng sử dụng hợp lý, quy mô công trình phù hợp với chức năng sử dụng. Công trình đủ yếu tố để trở thành di sản văn hóa Việt Nam trong tương lai. PA này có giải pháp kỹ thuật hợp lý về kết cấu và chiếu sáng. Song PA cần phải chú ý tới diện tích mặt nước và diện tích cây xanh. Đây là PA đạt được nhiều yêu cầu nhất trong 18 PA, tuy nhiên về Quy hoạch - Kiến trúc thì còn chưa thật hoàn chỉnh (công trình nằm xa cổng, lối vào lại quá bé so với công trình chính. Quy mô công trình quá lớn, có thể gọn lai. Các thiết kế cũng chưa đạt được chức năng của một Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cần nghiên cứu thêm.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là công trình xây dựng đầu tiên trong khu ĐTM mới hiện đại của thủ đô… nên công trình sẽ là chủ đạo để định hướng xây dựng các công trình khác. Tóm lại, PA 183173 DB, sau khi nghiên cứu, bổ sung theo ý kiến góp ý của các chuyên gia thì có thể xây dựng được. 18 PA dự thi đều đảm bảo chất lượng tốt.
GS. TS. NGUYỄN MẠNH KIỂM - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Nhìn chung các PA có sự đầu tư nhiều trong việc nghiên cứu kiến trúc, quy hoạch nhiều PA có chủ đề tư tưởng rõ ràng. Tuy vậy, 1 số phương án tuy có ý tưởng nhưng thể hiện trong kiến trúc chưa rõ. Trong 18 PA có 2 PA được chọn giải A và 4 PA chọn giải khuyến khích là xứng đáng. Ngoài phần kiến trúc tốt về ý tưởng, hợp về quy hoạch ra còn cần xét đến phần khai thác vận hành sau này và tính thực tiễn, đặc biệt là “Bảo tàng đầu hệ” - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Một số phương án có khối công trình quá lớn vừa tốn phí trong xây dựng nhưng vận hành khai thác chi phí cũng không nhỏ: chi phí quản lý, chi phí thiết bị bảo quản.... như phương án A: 794517AD – 183173DB; 130938SA.... Điều này lệ thuộc nhiều vào khối lượng hiện vật trưng bày. Cần chú ý tạo điều kiện cho khách tham quan, nghiên cứu, đo đạc thuận tiện. Đặc biệt, phương án 130938SA trải quá dài, khách đi lại không thuận tiện gắn bó giữa các khối trưng bày. Cần chú ý thêm tới tính hiện thực. Ngoài các giải A cần xem xét thêm 2 phương án 474447CV và phương án 200092VT. Đặc biệt là phương án 200092VT
KS. NGUYỄN HỮU HỢP - Cục phòng cháy chữa cháy - Bộ Công An: Qua các PA thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đặc biệt ở 2 PA đạt giảI A, dười góc độ phong cháy chữa cháy, tôi có một số đề xuất cần khắc phục:
Về bố trí tổng mặt bằng:
a/ Quảng trường, đường giao thông: Cần có tỷ lệ diện tích thoả đáng cho quảng trường, đường giao thông tương xứng với số lượng người và phương tiện xe cộ theo tính toán, đảm bảo sự lưu thông người và xe thuận tiện. Đặc biệt phải có đủ diện tích chứa một số lượng lớn người thoát ra khỏi công trình khi có sự cố; đồng thời đảm bảo cho các phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động thuận tiện.
b/ Đường giao thông: Bảo tàng một công trình kiến trúc có khối tích lớn, vì vậy, cần có đường giao thông bao quanh và tiếp giáp với công trình để phục vụ cho các phương tiện chữa cháy, cứu hộ cứu nạn hoạt động khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
c/ Hồ nước: Hồ nước là cần thiết đối với một công trình lớn để tạo cảnh quan, đồng thời là nguồn dự trữ nước chữa cháy quan trọng. Tuy nhiên không nên sử dụng hồ nước áp sát và bao bọc gần hết chu vi công trình, điều này sẽ gây khó khăn cho người thoát nạn và cản trở hoạt động của các xe chữa cháy như đã nói ở trên.
Về giải pháp kiến trúc:
a/ Đảm bảo lối thoát nạn: Công trình có khối tích lớn, tập trung đông người, vì vậy cần đảm bảo có đủ lối thoát nạn an toàn, các lối thoát phải bố trí phân tán ra nhiều hướng khác nhau. Một số phương án có chiều dài nhà lớn sẽ dẫn tới chiều dài lối thoát lớn, không đảm bảo cho mọi người thoát ra ngoài nhà trong thời gian cho phép. Cần bố trí các buồng thang an toàn, hành lang an toàn đảm bảo chống cháy, chống khói để mọi người có thể thoát nạn an toàn ra khỏi nhà. Cần bố trí các lối thoát, cửa thoát ra thẳng ngoài nhà ở các hướng khác nhau và bố trí các cầu thang thoát nạn hở ở mặt tường bên ngoài nhà, giúp cho việc thoát nạn được nhanh chóng, an toàn.
b/ Giải pháp thoát khói: Cần đảm bảo việc thoát khói khi có đám cháy xảy ra giúp cho việc thoát nạn và chữa cháy được thuận lợi. Các cửa lấy ánh sáng trên mái và mặt tường ngoài cần kết hợp làm cửa thoát khói khi xảy ra cháy. Có giải pháp thoát khói, hút khói cho khu vực tầng hầm và các khu vực có đông người khác.
c/ Giải pháp ngăn cháy lan: Công trình có nhiều không gian trưng bày lớn, không được ngăn chia thành các phần riêng biệt, cần có không gian thông tầng, nên khi xảy ra cháy, dễ dẫn tới cháy lan, cháy lớn. Vì vậy cần có các giải pháp kiến trúc kết hợp các giải pháp kỹ thuật, đảm bảo ngăn cháy lan có hiệu quả.
Các PA thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đều nằm trên một diện tích hồ khá lớn, chỉ có một đường duy nhất để vào công trình. Như vậy nếu sảy ra hoả hoạn hoặc sự cố, đường thoát sẽ không có. Vậy để thoát chẳng lẽ mọi người đều nhảy hết xuống hồ?
Trên đây là một số ý kiến ban đầu đối với các phương án kiến trúc của Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Ngoài các giải pháp nêu trên, khi thiết kế kỹ thuật cần thực hiện đầy đủ các giải pháp PCCC theo nhiệm vụ thiết kế và các quy định của tiêu chuẩn.
PTS. KHKT NGUYỄN VĂN MUÔN - Bộ Môn Vật lý Môi trường - Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội: Bảo tàng theo tôi là nơi trưng bầy những hiện vật giúp người xem nhìn về quá khứ có suy ngẫm. Tôi có cảm giác nhiều PA mang tính gian triển lãm nhiều hơn là bảo tàng. Nội thất nhiều phương án như các gian siêu thị, không đúng với cách thể hiện gian trưng bầy bảo tàng. Thêm vào đó việc các tác giả dành không gian để tổ chức lễ hội trong khu bảo tàng theo tôi là không cần thiết, ầm ĩ quá, ôm đồm quá.
Các ý tưởng rất phong phú, tuy nhiên chỉ cảm nhận được ý tưởng khi nhìn từ máy bay, còn nhìn từ mặt đất sẽ không bao giờ thấy được các. Thí dụ như biểu tượng “bàn tay” của PA 794517AD người xem sẽ không bao giờ cảm nhận được vì chỉ đứng trên mặt đất. Theo tôi cảm nhận thị giác do các phối cảnh chim bay gây ra đạt hiệu quả rất ít, đừng mất công nhiều vào ý tưởng này mà làm cho công trình thêm phức tạp ra.
Rất nhiều phương án dùng vách kính để trang trí. Ngay cả phương án đạt giải A cũng vậy. Cách thiết kế này sẽ là rất nóng, cộng thêm với việc các tác giả khai thác triệt để công trình trên mặt nước sẽ làm cho nhiệt độ tăng cao, độ ẩm lại lớn, chắc chắn sẽ rất có hại cho vật trưng bầy do ẩm mốc...Tất cả các phương án này nếu được thi công sẽ hết sức tốn kém về điện năng cho việc điều hòa không khí.
Mùa hè, về buổi chiều, mặt nước hồ sẽ rất nóng, không khí ngột ngạt. Tôi rất băn khoăn về chế độ nhiệt ẩm nhất là cho công trình bảo tàng như thế này.
ÔNG NGUYỄN VĂN CHÂU - Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam. Đề nghị Chủ đầu tư và cơ quan quyết định đầu tư làm rõ luôn về:
- Trục giao thông chính và các hướng từ phía tây Hồ Tây? Hướng trục đường mới mở hướng Bắc(?)
- Kiến trúc: Thống nhất quan điểm: Dân tộc và hiện đại
Nên chăng: Tính dân tộc đảm bảo tính vĩnh cửu do vậy công trình phải có tính dân tộc. Không nên chọn theo giải pháp thô thiển, việc hình tượng hóa các khái niệm “bọc trứng”, “bàn tay” để người xem tự cảm nhận, không nên cụ thể quá.
- Về kỹ thuật: Công trình nằm trên mặt nước, độ ẩm cao, không đảm bảo việc bảo quản các hiện vật lâu dài, chắc sau này phải tốn kém trong việc bảo quản hoặc duy trì công trình.
- Lưu ý phong thủy: Về PA “Bàn tay”: Nên hình tượng hóa cao hơn, để bàn tay cụt như vậy thì thô thiển quá, quá dễ dàng về thể hiện. PA “Bọc trứng”: Nên thể hiện khái quát hơn, kể cả dải thông xanh.
ÔNG NGUYỄN HÀ KIỀU- Sở quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội: Tôi thống nhất với 2 phương án giải A được hội đồng tuyển chọn lựa chọn. Hai phương án nêu trên về cơ bản đáp ứng được yêu cầu tại nhiệm vụ thiết kế. Ngoài ra 2 PA có 2 phương pháp tổ chức không gian khác nhau, từ đó có những nhận xét, đánh giá, so sánh khi lựa chọn. Nhận xét cụ thể về 2 phương án:
- Phương án “bọc trứng”: Hình thức kiến trúc công trình độc đáo, dốc dần về phía khu ĐTM Tây Hồ Tây, tạo sự đón hướng. Quy hoạch phù hợp với khu ĐTM Tây Hồ Tây, dân cư, công viên Thái Bình. Tuy nhiên cần lưu ý thiên về kết nối với công viên Thái Bình. Không gian trưng bày chung: Sử dụng thủ pháp bố trí tập trung. Tuy nhiên vì thế dễ dẫn đến khó khăn trong việc trưng bày theo chức năng, chủ đề.
- Phương án “bàn tay”: Quy hoạch tổng mặt bằng đón hướng tháp truyền hình khu Tây Hồ Tây và về cơ bản phù hợp với cảnh quan chung. Không gian trưng bày phân tích rõ ràng, dễ bố trí, tuy nhiên không gian chưa thực sự linh hoạt. Hình thức kiến trúc độc đáo, song nếu nhưng dạng hình vành khăn có độ giật cấp cao (thấp thì hợp lý hơn).
BÀ NGÔ THỊ HỒNG HẠNH - Giám đốc Ban Quản dự án - Sở Văn hóa thông tin Hà Nội: Các phương án để được nghiên cứu công phu về các chỉ tiêu, tiêu chí về hình thức kiến trúc, kết cấu và công năng sử dụng bảo tàng. Tuy nhiên, có một số phương án trong đó có cả các phương án đạt giải cao chưa thực sự đạt yêu cầu về phù hợp cảnh quan kiến trúc quy hoạch khu vực của công viên Hòa Bình và công viên Hữu Nghị, đặc biệt là tính độc lập về quản lý sử dụng. Với một số phương án như 794517AD và 183173DB, chưa thực sự kết nối không gian văn hóa với công viên Hòa Bình. Thậm chí tôi còn có cảm giác mất đi công viên Hữu Nghị. Trong khi đó yêu cầu XDQH công viên Hòa Bình và Hữu Nghị là tổng thể liền mạch thống nhất. Vậy đề nghị hội đồng nếu chọn phương án nào cần cho tiếp tục chỉnh sửa về quy hoạch, để đạt các yêu cầu về quy hoạch và kết nối không gian đề bài đặt ra.
PHƯƠNG ÁN: 864800AK
PHƯƠNG ÁN: 110068GN
PHƯƠNG ÁN: 230155QP
PHƯƠNG ÁN: 003721HK
PHƯƠNG ÁN: MZ300807
THUYẾT MINH PHƯƠNG ÁN: MZ300807
Kiến trúc tòa nhà Bảo tàng là một khối tập trung được thiết kế có hình thức mang tính động“ cao, điều này thể hiện sự biến động theo quy luật của tự nhiên và Lịch sử phát triển đất nước.
Toà nhà có trục chính theo hướng Bắc – Nam, đi vào chính giữa khu đất là khu sảnh, sang hai bên là không gian trưng bày, và các hướng xiên là khối tuổi trẻ khám phá sáng tạo và không gian phục vụ cho hoạt động của Bảo tàng là : Giảng đường, hội trường, giáo dục và nghiên cứu.
Điểm kết thúc trục chính là không gian tưởng niệm danh nhân, nằm trong quả đồi nhân tạo, phù hợp với phong thuỷ công trình: phía truớc là hồ nước, phía sau là đồi núi đắp cao. Bên trong quả đồi là trưng bày hiện vật, phía trên quả đồi là biểu tưởng của ngọn lửa cách điệu bằng hình khối bên ngoài phủ kim loại.
Đây là biểu tưởng cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt được hun đúc từ ngàn năm. Những vị danh nhân, những anh hùng dân tộc luôn được tôn kính, họ đã cùng với nhân dân Việt Nam làm nên những sự tích bảo vệ và xây dựngTổ Quốc. Hệ thống vườn tượng đặt trên các tuyến đường thay đổi về cấp bậc dẫn lên đồi. Câu chuyện về các danh nhân được thể hiện bàng tượng tròn và phù điêu trang trí. Thiết kế ngoại thất với nội dung chính là khu trưng bày ngoài trời ; Một số không gian văn háo kiến trúc đặc sắc tiểu cảnh với nơi vui chơi, giải trí yên tĩnh, thư gãi cho khách tham quan.
PHƯƠNG ÁN: 241113AB
NHẬN XÉT VÀ GÓP Ý CỦA HỘI ĐỒNG TUYỂN CHỌN
1. NHẬN XÉT VÀ GÓP Ý PHƯƠNG ÁN ĐƯỢC XẾP LOẠI A:
1.1 Phương án mã hiệu: 183173 DB.
Ưu điểm:
- Về quy hoạch: Phương án này thể hiện rất tốt được mối liên hệ với công viên Hòa Bình. Quy hoạch công trình không tranh giành trục chính của khu quy hoạch Tây Hồ Tây mà nó lệch sang phía trục bên cạnh. Đó là ý tưởng quy hoạch rất hay.
- Công trình: Công trình đặc biệt trước có quảng trường, công trình Bảo tàng được tách với khu dân cư là rừng cây xanh xung quanh.
- Diện tích mặt nước đảm bảo theo yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế cảnh quan xung quanh hồ rất mềm mại, tạo cảnh quan du lịch tốt, có tầm nhìn thỏa mái khi đi từ trục Trung tâm Tây Hồ Tây.
- Bãi đỗ xe nằm dưới tán cây xanh là rất hợp lý.
- Đây là phương án duy nhất không lên theo chiều cao vì phương án đã rộng và dài vì thế tổng thể khu vực bảo tàng hòa chung vào quy hoạch tổng thể của khu công viên. Công trình này theo phương đông có phong thủy rất tốt, trông công trình rất giản dị khiêm tốn nhưng rất vĩ đại.
- Giải pháp kiến trúc cho công trình này tốt, lối đi bộ đón khách từ hai bên đi vào là rất hợp lý. Chính quảng trường ở phía trước là không gian có thể sinh hoạt vào buổi tối tạo không khí sôi động không có cảm giác bảo tàng quá tĩnh vào ban đêm.
- Khi nhìn tổng thể công trình tạo cho con người cảm giác rất yên tĩnh nhưng bên trong rất động vì có sảnh lớn tạo cảm giác khu triển lãm, trưng bày hiện vật lớn.
- Giải pháp công nghệ, kỹ thuật: Công trình nằm giữa mặt nước theo hướng Đông Tây, theo thiết kế ta có thể sử dụng năng lượng mặt trời đây cũng là giải pháp hợp lý.
- Tất cả các chức năng dưới một mái nhưng khi ở bên trong ta thấy phân hai khu rõ ràng mà trên mái không nhìn thấy được.
- Công trình thông tầng khách tham quan có thể nhìn không gian trưng bày từ trên xuống hoặc có thể nhìn từ dưới lên. Khu vực ở giữa có thể là khu trưng bày ngoài trời, còn dọc hai bên là khu triển lãm các hiện vật mà không dùng ánh sáng tự nhiên. Đặc biệt là có hành lang nghỉ ngơi (có các cửa dọc theo).
- Khu tưởng niệm danh nhân được bao bọc bởi tán cây tạo cảm giác yên tĩnh vẫn trang trọng. Lối đi vào khu tưởng niệm là rất hợp lý với 2 nhánh ở hai bên rồi hợp lại ở cuối.
- Về thông gió, ánh sáng đạt yêu cầu.
Nhược điểm:
- Quy hoạch: Khu đài tưởng niệm danh nhân xa so với cổng vào, lẩn vào lùm cây làm giảm tầm quan trọng và chỉ có một lối vào duy nhất.
- Công trình: Có một lối vào sảnh nên không tạo được độ vĩ đại. Khi vào rồi khó xác định hướng đi tạo cảm giác lúng túng cho khách tham quan.
- Không có triển lãm ngoài trời, không gian ở giữa rộng tạo cảm giác như trung tâm triển lãm lớn. Công trình rộng nên vấn đề an ninh cũng được đặt ra
- Công trình này thiết kế gọn gàng rồi khi muốn mở rộng thì giải pháp kiến trúc quy hoạch khó giải quyết. Nếu có thể mở rộng các chức năng công cộng ở phía dưới đó giảm bớt chiều dài của nhà đi.
- Các chớp bê tông vệ sinh như thế nào cho hợp lý.
1.2 Phương án mã hiệu: 794517 AD
Ưu điểm:
- Quy hoạch tổng thể hòa hợp với không gian chung, hình dáng công trình và mặt nước mềm mại.
- Tổng thể nhìn các hình khối thì giống nhau nhưng nhìn chi tiết thì rất khác nhau. Nếu công trình được xây dựng lên sẽ được cả thế giới quan tâm.
- Công trình: Kiến trúc mang tính nghệ thuật, hiện đại thách thức đối với các công trình khác.
- Điểm nổi bật của phương án này là chưa nhìn thấy ở đây có tính sáng tạo rất cao.
- Phương án này cách giải quyết bên ngoài và không gian bên trong đều tốt trong sử lý đường vào, đường ra.
- Tầng trệt là không gian rộng liên tục, cách giải quyết không gian của phương án này rất hiệu quả có sảnh lớn, cách trưng bày bên trong tương đối mềm dẻo. Khách du lịch có thể nhìn xuống hồ theo các hướng khác nhau.
- Khả năng mở rộng phương án này là lớn.
Nhược điểm:
- Xung quanh hồ có cảm giác sắc cạnh cần làm cho hồ mềm dẻo hơn sẽ rất đẹp.
- Lối vào khu bảo tàng cũng cần quan tâm
- Kiến trúc công trình có hình thức phức tạp, có không gian lồng vào nhau, nên mối liên kết và giải pháp kết cấu khó giải quyết được hoàn hảo theo những mong muốn đề xuất ý tưởng thiết kế của tác giả.
- Cần xử lý thêm về giao thông lối vào lối ra công trình.
2. NHẬN XÉT VÀ GÓP Ý CÁC PHƯƠNG ÁN ĐƯỢC XẾP LOẠI KHUYẾN KHÍCH
2.1. Nhận xét cho phương án 130938SA.
Ưu điểm:
- Đây là phương án có hình khốI đơn giản có bể ở giữa, Bảo tàng nằm ở giữa đối diện với trục Tây Hồ Tây. Có hai cánh tay ở hai bên để đón khách thăm quan. Phong thủy cũng tương đối tốt.
- Kiến trúc có hình chữ nhật, năng động theo hướng Nam- Bắc mang tính cổ điển, hình khốI thì liên hoàn mang tính hiện đại.
- Nhìn tổng thể công trình, bể nước phía trước và hồ nhân tạo xung quanh mang tính chất tĩnh lặng đúng phong cách của Việt Nam.
- Xây dựng tương đối dễ dàng, kết cấu đơn giản. Lối ra khu tưởng niệm danh nhân cũng gợi mở.
Nhược điểm:
- Công trình có kiến trúc mang tính chất nghèo nàn.
- Núi đồi nên để sau công trình, nếu để trước công trình như cách thể hiện khi nhìn từ xa lại sẽ bị che lấp mất công trình.
Diện tích trưng bày đơn điệu và nhỏ, do không gian bỏ không ở giữa quá lớn, có hai trọng tâm ở 2 bên, thang máy nhỏ mà lượng khách tham quan đông, khách lên xuống nhiều.
Mảnh tường kính lớn chạy dọc theo chiều dài công trình thiếu hiệu quả về kiến trúc, cảm giác đơn điệu.
2.2 Nhận xét cho phương án 243007AH
Ưu điểm:
- Về quy hoạch lấy ý tưởng công trình làm hòn đảo trong hồ để làm dự án. Dự án nhìn từ bốn phía đều tốt. Nhìn tổng thể thì hoàn chỉnh.
- Hình dáng công trình: Kết hợp hai hình vuông và hình tròn (hình tượng trống đồng) tác giả đã dùng rất nhiều thủ pháp kiến trúc được dùng ở đây.
- ý tưởng hay là có nhà hát ngoài trời.
- Nội thất thì thể hiện kỹ và tốt.
Nhược điểm:
- Phương án không có công viên xung quanh, khả năng sau này trồng cây khó. Quy hoạch chưa quan tâm nhiều đến sự gắn kết với công viên Hòa Bình
- Chưa chặt chẽ trong ý tưởng hình tượng, có quá nhiều ý tưởng nên bị phá vỡ tính thống nhất trong tìm ý, không tạo được ý tưởng nổi bật.
- Tỷ lệ công trình chiếm diện tích đất vượt quá nhiệm vụ thiết kế.
- Giao thông: Lối vào chính lại đặt ở ngã tư và đi vào từ phía sau, không có hướng vào tạo cảm giác uy nghi vì thế nhiều điểm cần sửa đổi.
- Nền công trình được đôn lên cao, khách tham quan sẽ phải đi rất xa tạo cảm giác mệt mỏi cho khách. Lối đi ra đến bến xe là xa.
- Hình thức kiến trúc khu tưởng niệm danh nhân không rõ ràng.
2.3 Nhận xét cho phương án 200092VT
Ưu điểm:
- Quy hoạch: Đã tạo được liên quan giữa công viên Hữu Nghị và công viên Hòa Bình, đường nét quy hoạch khỏe khoắn. Công viên được dãy đồi ngăn cách với khu đô thị.
- ý tưởng của phương án này quan tâm đến truyền thống và phong thủy của khu đất đặt ngay trục chính Tây Hồ Tây. ý tưởng chính là trống đồng Đông Sơn (Trống trong Trống) lõi trống là phần trung tâm của Bảo tàng.
- Sảnh rất hay trong lõi của trống con. Dây chuyền công nghệ rõ ràng
- Bãi đỗ xe có phần ngầm và phần nổi, có lối đi chính hợp lý
- Có công trình nhỏ tách riêng khỏi công trình chính là khu sáng tạo của tuổi trẻ. Tổ chức không gian ngay ngắn và cân đối
- Lõi càng lên cao càng phình to, thông qua lõi kính khách tham quan có thể nhìn xuống phía dưới, lõi trong cùng dùng cho trưng bày ngắn ngày.
Nhược điểm:
- Quy hoạch của phương án tạo sự ùn tắc ở cuối trục đường chính tạo cảm giác chật chội.
- Phương án này trưng bày khó khăn do trưng bày theo hình vuông và hình tròn giống nhau tạo cảm giác nhàm, bắt khách thăm quan đi theo hướng cố định mà tường lại không thẳng
- Kiến trúc của Nhà bảo tàng và khu tưởng niệm danh nhân không đồng nhất, ý tưởng khu tưởng niệm danh nhân kiến trúc quá xa lạ với Việt Nam.
- Kiến trúc “mặt nạ” của Bảo tàng là không hợp lý vì nếu thế nó che hết phần đẹp của ý tưởng trống đồng.
2.4 Nhận xét cho phương án 474447CV
Ưu điểm:
- Đồ án được nghiên cứu thực sự kỹ lưỡng và nghiêm túc, thể hiện đúng được thông số của nhiệm vụ thiết kế và nghệ thuật phong thủy của Việt Nam
- Tổng thể của phương án tạo môi trường có nét đặc trưng riêng biệt cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Do khu đất không có gì nổi trội về địa hình địa thế và cảnh quan, vùng đất phát triển tự do kiến trúc khá lộn xộn, thiếu vắng hình ảnh nổi trội, kiến trúc của khu dân cư phát triển tự phát. Chính những lý do trên ý tưởng của phương án muốn tạo khác biệt nên họ đã tạo lập hình ảnh thật ấn tượng nổi bật trên khu đất số 07. Quy hoạch tổng thể tốt đón đúng trục Tây Hồ Tây.
- Các mặt bằng của các tầng được thể hiện kỹ, với hệ mái lớn và hình dáng là mới mẻ chưa có ở Hà Nội.
Nhược điểm:
- Quy hoạch của phương án gây sốc vì phía sau của Bảo tàng được nâng lên quá cao tạo cảm giác tách biệt với khu dân cư xung quanh
- Giao thông: Lối vào bảo tàng bị đâm thẳng vào cái cột của công trình không phù hợp với phong thủy của người Việt Nam. Khoảng cách từ trục phía Đông đến Bảo tàng thì đường lại nhỏ và thông qua cái cầu như thế tạo cảm giác như bị khống chế. Mà điểm đón tiếp khách cũng rất bé lại khống chế bởi chiều cao của cột.
- Mặt đứng của công trình mang tính bảo thủ nên làm giảm độ bay bổng của mái
- Nội thất của mặt bằng không liên quan đến công trình, rất nhiều góc cạnh, giếng trời chỉ phục vụ được tầng trên cùng.
- ý tưởng đi qua cầu vào Bảo tàng nhưng nhiều cầu và không thể hiện được nghệ thuật, từ trên cầu nhìn xuống không có phong cảnh để thưởng thức.
- Tầng hầm để gara xe gần kho chứa hiện vật là không nên
3.TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ CHUNG:
- Kết quả quá trình làm việc của Hội đồng và chất lượng của cuộc thi tuyển thiết kế kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia như sau:
- Nhìn chung chất lượng các phương án đã có sự đầu tư tốt, tuy nhiên chất lượng các phương án không đồng đều.
- Các phương án xếp loại A có chất lượng, có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương án xếp loại khuyến khích. Các phương án xếp loại A đạt được các tiêu chí của Hội đồng đề ra và đã giải quyết được yêu cầu chính về quy hoạch, công trình theo nhiệm vụ thiết kế. Tuy nhiên, để tiến hành những bước tiếp theo các phương án xếp loại A cần phải điều chỉnh, hoàn thiện theo góp ý của Hội đồng.
- Trong quá trình làm việc các thành viên đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ và hoàn thành nhiệm vụ được giao. ý kiến góp ý nhận xét của các thành viên thể hiện kiến thức cũng như kinh nghiệm về chuyên môn cao của Hội đồng.
- Kết quả tuyển chọn rất tập trung đã thể hiện sự thống nhất cao của Hội đồng.
- Thông qua báo cáo của Chủ tịch Hội đồng về kết quả tuyển chọn thiết kế kiến trúc Bảo tàng Lịch sử quốc gia trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
- Hội đồng tuyển chọn thi tuyển thiết kế kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến Bộ Xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã chuẩn bị tốt và tạo mọi điều kiện cho Hội đồng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Báo cáo này đã được đọc trước các thành viên và được các thành viên Hội đồng tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhất trí thông qua.
Hội đồng tuyển chọn
Chủ tịch Hồi đồng
Trần Ngọc Chính
Ghi chú:
Nhận xét và góp ý trên được trích trong báo cáo kết quả tuyển chọn thiết kế kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của Hội đồng tuyển chọn.
Bài đăng trên tạp chí KTVN số 09/07
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét