Công Ước kêu gọi một nỗ lực tái thiết toàn diện các thành phố trong thời đại công nghiệp, làm cho chúng trở nên hiệu quả, hợp lý và vệ sinh hơn. Thái độ của CIAM về quy hoạch đô thị rất rõ ràng :”đô thị hóa không thể bị quy ước bởi chủ nghĩa thẩm mỹ tiền định. Bản chất của đô thị hóa là một trật tự về công năng”.
Công Ước Athens đề ra nhiều thay đổi sâu sắc đối với môi trường đô thị như định hướng kiến trúc và quy hoạch phục vụ nhu cầu phổ quát của nhân dân thay vì thiết kế những công trình công cộng nặng tính hình thức và những dinh thự xa hoa cho nhóm nhỏ những người giàu có. Công Ước đề xuất sự phân tách triệt để giữa các loại hình sử dụng đất để giải quyết sự hỗn loạn trong các đô thị truyền thống. Công Ước cũng khẳng định vai trò trung tâm của môi trường thiên nhiên với ánh nắng và cây xanh, cùng với không gian (kiến trúc) là 3 “nguyên liệu” cơ bản cho quy hoạch đô thị.
Phương án quy hoạch Paris của Le Corbusier với những khu phố cũ được thay thế bằng nhà chung cư cao tầng và đường cao tốc.
Bản Công Ước coi nhẹ vai trò của kiến trúc sư (KTS) như là một nghệ sĩ của những tác phẩm cá nhân mà thay vào đó là vai trò của một kỹ sư xã hội, một nhà quy hoạch đô thị, người diễn giải những lý tưởng cách mạng thành thực tế vật chất và công năng. Bằng cách giả định rằng mọi vấn để của đô thị là kết quả của việc thiếu thốn ánh sáng, không khí trong lành và trật tự kiến trúc, KTS được Công Ước giao cho vai trò tối thượng trong việc quyết định vận mệnh của đô thị. Tư duy đẳng cấp (elitist mentality) và tự cao – tự đại của KTS bao trùm lên Công Ước khiến văn bản này thiếu đi những thảo luận về nhiều khía cạnh xã hội quan trọng của đô thị, bỏ qua những nguyên nhân dẫn đến hành vi của những người dân bình thường, sự tham lam, nỗi sợ hãi và khát vọng của họ.
Cách tiếp cận công năng cực đoan về đô thị của CIAM còn thể hiện trong sự chối bỏ mối liên hệ giữa công trình và đường phố và giữa đô thị hiện đại với quá khứ của chính nó. Điều 16 trong bản Công Ước Athens tuyên bố :”Ngôi nhà sẽ không bao giờ bị gắn liền với đường phố bởi vỉa hè nữa. Nó sẽ vươn lên trong không gian của riêng nó và sẽ hưởng ánh nắng, không khí trong lành và sự yên tĩnh”. Điều 36 kêu gọi san phẳng những khu đô thị cũ để xây dựng đường cao tốc, nhà cao tầng và các khu công nghiệp. Công Ước khẳng định một nhà thờ baroque là đủ để lưu lại dấu ấn lịch sử của một thành phố.
Công ước Athens tiếp tục là một trong những tác phẩm nhiều mâu thuẫn nhất mà CIAM từng xuất bản. Công ước khẳng định sự chung thủy của CIAM với những đô thị cứng ngắc về công năng và cư dân tập trung trong các chung cư cao tầng. Không mất quá nhiều thời gian để các kiến trúc sư cũng như các nhà quy hoạch và khoa học xã hội bắt đầu đặt câu hỏi về những kết luận trình bày trong Công Ước Athens và lên tiếng về sự cằn cỗi của đô thị gây ra do những lý thuyết của Chủ nghĩa hiện đại mà CIAM bảo trợ. Khi cặp vợ chồng kiến trúc sư người Anh Alison và Peter Smithson rời bỏ hàng ngũ CIAM, khởi đầu cho quá trình sụp đổ của tổ chức này vào năm 1956, họ đã tuyên bố :”con người có thể xác định bản thân anh ta trong tổ ấm của mình, nhưng không dễ dàng cho một thành phố với nơi chốn của nó. ‘Sự thuộc về’ một nơi nào đó là một nhu cầu cảm xúc cơ bản. Từ ‘sự thuộc về’ mà xuất hiện cảm giác giàu có về tính cộng đồng. Những con phố nhỏ trong những khu ổ chuột có thể làm được những điều mà những dự án bất động sản hoành tráng thất bại”
Nguyễn Đỗ Dũng
Tham khảo:
Rubin, E. (2010). The Athens Charter. Thu thập ngày 8 tháng 7 năm 2010 từ website: http://www.europa.clio-online.de/site/lang__en/ItemID__372/mid__11428/40208214/ default.aspx
Wark Clements Interactive thực hiện cho BBC/Open University. From here to Mordernity. Thu thập ngày 8 tháng 7 năm 2010 từ website: http://www.open2.net/modernity/
Nguồn: Blog KTS Nguyễn Đỗ Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét