Mở cửa trình làng rồi đóng cửa hoàn thiện?
Trên địa bàn Hà Nội có hai công trình bảo tàng rất hoành tráng, một sắp phải về đích vì thuộc công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là Bảo tàng Hà Nội, còn công trình kia “may mắn hơn” khi không bị sức ép thời hạn phải hoàn thành là Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Bảo tàng Hà Nội có lẽ là công trình văn hóa đang bị “soi” nhiều nhất, vì thời gian phải mở cửa đón khách không còn xa, phần xây dựng vẫn tạm cho là kịp tiến độ, nhưng phần nội thất thì đã có mức trì hoãn khá lớn so với kế hoạch (vốn đã quá muộn màng) đưa ra trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội vào ngày 11/9/2009. Lúc đó, trước những lo ngại của các thành viên đoàn giám sát về nội dung trưng bày, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó GĐ Sở Xây dựng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đã đưa ra những mốc thời gian “14 – 25/9/2009 công ty STORY Inc (New Zealand) sẽ sang trình bày ý tưởng thiết kế tổng thể trưng bày, tháng 10 sẽ ký hợp đồng, và tháng 12/2009 sẽ có thiết kế tổng thể“.
Vậy nhưng đến cuối tháng 1/2010, trò chuyện với ông Đồng Huyền Ngọc, PGĐ Ban quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội (phụ trách phần xây dựng), mới biết phải sang tuần tới, hai bên mới ký hợp đồng chính thức, dù đối tác đã triển khai nhiều phần việc rồi. Kế hoạch ký hợp đồng từ tháng 10/2009 đã chậm thành tháng 2/2010, thiết kế tổng thể không biết sẽ lùi từ tháng 12/2009 đến bao giờ?
Cũng khổ cho đơn vị tư vấn thiết kế của New Zealand, không biết họ có “lường trước” những áp lực phải chịu khi bước chân vào dự án quá sát thời điểm phải mở cửa thế này không? Theo thông tin từ chính GĐ dự án, tư vấn Anh yêu cầu thời gian thiết kế không dưới 2 năm, Bảo tàng Dân tộc học ngày xưa cũng phải 2 năm mới xong phần trưng bày cố định ban đầu.
Giờ chỉ còn vài tháng, không biết đơn vị tư vấn New Zealand sẽ xoay sở được những gì? Có bắt kịp lời hứa sẽ hoàn hoàn thành trưng bày ngoài nhà, sảnh chính tầng 1, toàn bộ thiết kế tổng thể và bộ phim giới thiệu không? Mà làm dồn dập một phần nhỏ để kịp mở cửa vào dịp Đại lễ, rồi Đại lễ xong thì sao? Lại đóng cửa cả năm trời để hoàn thiện phần trưng bày?
Tầm cỡ thế giới cũng chỉ… vài trang? (Mẫu thiết kế Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.( ảnh VietNamnet))Bảo tàng Lịch sử quốc gia không bị ép tiến độ, chưa có ngày khai trương dự tính trước, nhưng như thế không có nghĩa là có thể từ từ, bao giờ xong thì xong. Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã ký từ 19/12/2006, Thủ tướng đã chọn phương án thiết kế kiến trúc từ 23/7/2008, nhưng phải đến ngày 5/1/2010 mới có lễ ký kết Hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng với Công ty NIKKEN SEKKEI. Lý do của sự chậm trễ này là do dự án bị giãn tiến độ vào năm 2008, nhưng có khi thế lại là may, bởi nếu phần xây dựng đi nhanh quá thì làm sao nội dung trưng bày theo kịp?
Bởi phải đến ngày 4/12/2009, Hội đồng khoa học về công tác trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới thông qua Đề cương tổng quát nội dung và hình thức trưng bày, để đề nghị Bộ trưởng Bộ VH – TT – DL xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mà quy trình tất yếu của một dự án trọng điểm như thế này sẽ phải qua rất nhiều khâu, phê duyệt đề cương tổng quát rồi mới làm đế cương chi tiết, đề cương chi tiết được phê duyệt mới triển khai thành Kịch bản thuyết minh nội dung, giải pháp trưng bày. Phê duyệt rồi mới có Thiết kế trưng bày. Đấy là giả sử khâu nào cũng làm cực tốt, trình lần đầu được phê duyệt ngay.
Nhìn kịch bản thuyết minh của bảo tàng Hà Nội (đã được phê duyệt) nặng chình chịch đến hơn 500 trang, cả loạt nhân vật đầu ngành tham gia xây dựng các chủ đề (chẳng hạn PGS Hoàng Xuân Chinh chuẩn bị Chủ đề “Hà Nội thời tiền sử” gồm 5 chuyên đề nhỏ, hay PGS.TS Phạm Xuân Xanh chuẩn bị chủ đề Hà Nội thế kỷ XIX – Đầu thế kỷ XX gồm 3 chuyên đề nhỏ…), chưa bàn đến chuyện chất lượng tốt xấu, nhưng phải mất 1 năm rưỡi để từ Đề cương tổng thể thành Kịch bản thuyết minh nội dung, giải pháp trưng bày. Người chịu trách nhiệm việc xây dựng kịch bản tổng thể, PGS Phạm Mai Hùng (Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) nhấn mạnh chuyện phải tập hợp rất nhiều chuyên gia làm việc cấp tập, bởi Bảo tàng Hà Nội phải chịu sức ép thời gian rất lớn.
Thế mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia quy mô lớn hơn nhiều, với mong mỏi trở thành bảo tàng hiện đại xứng tầm thế giới, lại mới chỉ đến bước chuẩn bị trình đề cương tổng thể vài chục trang. Phần vỏ đã ký hợp đồng chính thức với đối tác, trong khi phần ruột lại mới đi những bước đầu tiên. Bảo tàng Hà Nội đành cứ xây vỏ nhà khi chưa biết sẽ trưng bày những gì vì là công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, không lẽ Bảo tàng lịch sử quốc gia không bị ép tiến độ, cũng lặp lại vết xe đổ ấy?theo VietNamnet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét