Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Sài Gòn hôm nay(2)

Bài 1: Nét xưa giữa Sài Thành
Người Sài Gòn vẫn thường bắt gặp hình ảnh mang đầy nét cổ xưa, dân dã của những người viết thư pháp, làm cào cào bằng lá dừa, làm mặt nạ hát bội… Những người bán hàng này không rao không mời, nhưng khi nói chuyện ai cũng tự hào vì họ là người còn giữ chút truyền thống của dân tộc.
Ở khu vực trung tâm Sài Gòn, nếu đi dọc con đường Lê Lợi hay Đồng Khởi sẽ bắt gặp hình ảnh một người đàn ông cắm cúi làm những chú cào cào bằng lá dừa thật xinh xắn. Đó là anh Nguyễn Minh Tuấn, quê ở Bình Thạnh, năm nay 38 tuổi.
Trước kia anh làm nghề thợ sửa đồng hồ. Thấy người ta làm thú bằng lá dừa xấu quá, anh bèn làm tết thử một con gà. Thế rồi thấy mê, từ đó anh chuyển sang làm sản phẩm bằng lá dừa với hình các con cào cào, chim, rít, tôm, hoa hồng…
Lá dừa thì anh đi mua ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Mà phải là đọt dừa non anh tự leo hái. Con cào cào làm xong được cho đậu trên hai chiếc lá lý đôi cắm trên chiếc đũa tre, giá 10.000 đồng/con. Khách du lịch rất thích mua con cào cào, ban đêm có khi không còn hàng để bán.
Người thổi hồn cho mặt nạ
Những ai từng xem hát bội hẳn sẽ vô cùng thích thú khi bắt gặp những mặt nạ của các nhân vật trong vở hát. Trên chiếc xe đạp mini của anh Nguyễn Văn Bảy, có đủ hầu hết các mặt nạ Chung Vô Diệm với chữ thiên trên trán, Trình Giảo Kim mặt tròn, mặt nạ Trịnh Ân, Châu Xương, Tiết Cương, Triệu Hồng, Tiêu Đình Quý…

Ông đồ” Huế và chữ Tâm trên phố
Ở góc đường ngã tư Trương Định và Điện Biên Phủ, quận 3, hàng ngày người dân đều có thể bắt gặp gian hàng của nhà thư pháp Lê Việt Hà. Ông là người gốc Huế, viết thư pháp ở nơi này gần chục năm. Từ cách ngồi, cách nói chuyện đều gợi cho người xem hình ảnh ông đồ trong bài thơ của Vũ Đình Liên. Có khi lại thấy phảng phất chí khí lãng tử của cụ Cao Bá Quát khi ông quan niệm trên đời chỉ có chữ là đẹp nhất và trong sáng nhất. Ngồi bên chiếc đài radio cũ kỹ, ông cứ thong thả viết chữ tâm. Với ông, một không gian thoáng đãng rộng rãi mới làm là nơi ông thả hồn vào từng nét bút tài hoa…Ngọc Tâm (Theo Dân Trí, http://tapchiktnn.no-ip.info/am/modules.php?name=News&file=article&sid=10987)

Bài 2:"Mốt" ăn chay ở Sài Gòn
Giữa cuộc sống xô bồ hối hả ở TPHCM, không ít người người trẻ muốn tìm đến những món ăn của chốn cửa Phật. Thanh tao mà vẫn đậm đà hương vị -các quán hàng chay đang thu hút không ít thực khách Sài Gòn.
Khu phố chay
Những người sành ăn chay ở TP.HCM cho rằng có khoảng 50 quán cơm chay nổi tiếng nằm rải rác ở khắp các quận, huyện, trong đó tập trung nhiều nhất ở quận 1, Phú Nhuận, Bình Thạnh... Có nơi nổi tiếng đến mức được người dân gọi là khu phố chay như: khu chợ Vườn chuối (quận 3), đường Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh )…
Nhắc đến quán chay ở Sài Gòn thì không thể không kể đến quán Thuyền Viên (11-13 Nguyễn Văn Đậu, quậnPhú Nhuận) hay Phật Hữu Duyên (Nguyễn Tri Phương, quận 5). Những nơi này từ lâu đã trở thành địa chỉ nổi tiếng về hàng chay của TP.HCM với phong cách ẩm thực chay của người Hoa, được thể hiện qua các món đặc trưng như cơm Dương Châu, súp Đại Truyền Hồng Đồ, đậu hũ Tóc Tiên…
Không kém cạnh 2 quán trên là quán cơm chay Giác Đức (492 Nguyễn Đình Chiểu, thuộc khu chợ Vườn Chuối, quận 3) nằm đối diện với chùa Nguyên Hương, được nhiều người biết đến với thực đơn phong phú hơn 200 món chay các loại, từ bún, phở đến cơm, lẩu…
Khi được hỏi vì sao lại mở quán chay, chị Nguyễn Thị Hoàng, bán bún chay trên đường Hoàng Văn Thụ, Tân Bình, chia sẻ: “Tôi ăn chay từ lâu, thấy ngon, ít khi bị đau bệnh. Từ đó, quyết định ăn chay trường gần 2 năm nay. Tôi đã phải mày mò tìm cách chế biến món ăn theo sở thích của mình, rồi nấu cho mọi người cùng ăn. Thấy mọi người khen và khuyên mở quán nên tôi mở quán bán hàng chay”. Kể từ khi bỏ ra gần 10 triệu đồng mở quán đến nay, chồng chị Hoàng đã không còn phải thức khuya dậy sớm đi phụ hồ, 2 người con gái không còn phải đi làm thuê kiếm sống vì hiện tại thu nhập hàng ngày từ quán chị Hoàng không dưới 200 ngàn đồng.

1001 lý do ăn chay
“Giới trẻ ngày nay có rất nhiều lý do để lựa chọn món chay, chẳng hạn muốn bảo vệ sức khỏe, thích ăn chay, thích cảm giác lạ miệng… Và thực tế, lượng khách của quán hàng ngày chiếm trên 70% là giới trẻ” , một đầu bếp của quán chay Thuyền Viên nhận xét.
Thùy Tiên (25 tuổi, nhân viên bán hàng ở Thương xá Tax) là khách ruột của quán chay Giác Đức. Cô cho biết: "Ăn mặn mãi cũng ngán, nên mình thường thay đổi khẩu vị bằng đồ chay, riết rồi "kết" nó luôn. Bây giờ tuần nào không ăn chay 2,3 lần thì khó chịu lắm…Thấy ngon nên mình thường xuyên “dụ” mấy bạn đồng nghiệp, mấy bạn cùng nhà trọ đi ăn cùng. Hiện nay, có không ít bạn trở thành “tín đồ” tháp tùng mình đi ăn chay…”.
Không để cho Tiên nói hết, Thu Hà (bạn trong nhóm Tiên), mới lần đầu đi ăn chay trầm trồ: “Mình không ngờ cơm chay lại có nhiều món như thế. Các món ăn được chế biến với màu sắc, mùi vị rất ngon miệng nữa. Thế mà trước đây mình cứ nghĩ rằng cơm chay vô vị và nhạt nhẽo lắm…”. Thực ra, thức ăn chay rất đa dạng với những cái tên nghe rất...mặn như tôm rang, bít tết, giò heo, gà tần, cá kho…
Thành Trung (Sinh viên ĐH Kinh Tế, TP.HCM) thì có một lý do khác để trung thành với rau đậu: năm ngoái bạn đã thề nếu đậu đại học sẽ ăn chay một tháng. Thế rồi, khi đã trở thành sinh viên, cứ mỗi dịp Trung đạt điểm cao trong học tập là... ăn chay một tuần.
Cũng giống như Tiên, Trung hiện tại là “cổ động viên” cho các quán chay vì “ăn một mình buồn nên thi thoảng mình lại rủ bạn bè đi cùng…”.
Thanh (bạn cùng lớp Trung) kể lại: “Trước kia mình chẳng bao giờ ăn đồ chay. Vậy mà từ khi chơi với Trung, nhóm tụi mình hay bị nó rủ đi ăn cùng nên giờ cũng “nghiện” luôn…”.“Cả ngày bị cuốn theo công việc, sau đó lại cùng bạn bè tìm đến tiệc tùng, bia rượu thì chỉ làm cho mình thêm mệt mỏi và căng thẳng hơn thôi, thỉnh thoảng tìm đến quán chay để “cân bằng”. – Huỳnh (25 tuổi), nhân viên xuất nhập khẩu của một công ty liên doanh cho biết. Còn lý do đến với thức ăn chay của chị Minh (nhân viên kế toán) thì hết sức “phụ nữ’": kể từ khi ăn chay chị thấy mình cứ trẻ hoài.
Thượng tọa Thích Quảng Viên, trụ trì chùa Vạn Hạnh (TP.HCM) cho biết theo quan điểm của Phật giáo, ăn chay là nuôi dưỡng pháp thiện, mở rộng tình thương bao la với nhân loại. Song song đó, ngày nay khoa học cũng chứng minh, nhờ ăn chay mà con người khỏe mạnh, sống lâu, nhiều chứng bệnh nan y được thuyên giảm…
Phan Lan - Mỹ Liên - Đỗ (Theo Thanh Nien Online, http://tapchiktnn.no-ip.info/am/modules.php?name=News&file=article&sid=30047)

Bài 3: Món quê giữa phố
Sài Gòn là nơi hội tụ của những người con đến từ khắp mọi miền của đất nước, trong hành trang mang theo của mỗi người còn có cả những món đặc sản quê mình. Để rồi hôm nay, giữa phố xá đông đúc, trên từng con đường, mỗi góc phố ta đều dễ dàng tìm thấy những món ăn mang hương vị hết sức đặc trưng đồng thời gắn liền với một địa danh cụ thể.
Món ngon miền Bắc khá phong phú như bánh cuốn, bún ốc hay phở có thể tìm thấy ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chả cá Lã Vọng trên đường Cao Thắng, cháo tim, gan với mùi lá tía tô thơm lừng góc ngã tư Pasteur- Nguyễn Thị Minh Khai... Đặc sản miền Trung với mì Quảng, bánh bột lọc, bún bò Huế có ở nhiều nơi, bánh xèo trên đường Nguyễn Kiệm lúc nào cũng đông khách, món bún chả cá Quy Nhơn cũng góp mặt trên đường Trần Hưng Đạo. Dọc theo cầu Kinh (Thanh Đa), món nem nướng Ninh Hòa cũng được nhiều người nhắc tới. Miền Nam thì có cơm tấm Long Xuyên, hủ tiếu Mỹ Tho, bánh canh Trảng Bàng, bún nước lèo Sóc Trăng, bánh khọt Bà Rịa, bánh cống Bạc Liêu, nem Lai Vung, bánh phồng tôm Sa Đéc... Để thích nghi với nhiều khẩu vị khác nhau của người Sài Gòn, theo thời gian, từng món ăn mỗi miền luôn có sự điều chỉnh một cách thích hợp hơn. Ngay cả các món có nguồn gốc từ nước ngoài như há cảo, kim chi, lẩu Thái... giờ cũng đã trở nên khá quen thuộc trong thực đơn của các gia đình người Việt. Đôi khi tìm đến các quán đặc sản quê mình cũng là dịp gặp gỡ những người bạn đồng hương, được nghe giọng nói chân chất, mộc mạc để rồi càng thấy nhớ thêm nơi chôn nhau cắt rốn. Chiều cuối tuần, giữa Sài Gòn đầy các món ngon, vật lạ nhưng vẫn rảo mắt tìm cho được món ăn quê...
Bài 4: Con gái đi... bar
Trong tiếng nhạc lùng bùng ở bar Seventeen Saloon, hai cô nàng trong trang phục công sở đang cười nói huyên thuyên và đưa ly rượu lên "nốc". Nhìn xung quanh mới thấy, chuyện đi bar của các cô giờ đã là "chuyện thường ở huyện". Ai bảo chỉ có phe mày râu mới biết chơi... sang?
Đi bar như... ăn cơm Không phải là dân chơi "chính hiệu con gà đen", nhưng về khoản sành điệu thì những cô nàng xuất thân từ dân công sở cũng chẳng thua chị kém em. Đang làm việc cho công ty xuất nhập khẩu Nhật với mức lương cao chót vót, N.Nga còn quản lý thêm một quán bar trên đường Nguyễn Thái Bình, Q.1 cho cô bạn thân. Chẳng trách ngoài giờ làm, cô đã "vũ trang" kinh nghiệm khi thường xuyên lui tới những quán bar và vũ trường trong thành phố. Đi nhiều đến độ cô gần như thuộc nằm lòng các loại rượu và thành phần pha chế các loại cocktail.
Có lần, đang ngồi trong quán bar trên đường Cao Thắng, cô đã khiến anh chàng phục vụ trẻ "mắt tròn mắt dẹt" khi yêu cầu đổi lại ly cocktail không đúng điệu vì phát hiện pha chế đã nhầm sang vị chanh cùng một loại rượu khác. Cũng vì "chinh chiến", đi bar như cơm bữa nên tửu lượng của cô thuộc vào hàng cao thủ, đủ hạ đo ván những mày râu "yếu bóng". "Đi quen chân nên nhiều lúc không đi thấy hơi bứt rứt, mà đi có một mình cũng không thích. Bữa nào thấy "chán như con gián" là kéo thêm mấy nhân viên nam ở quán ra "chiến đấu" cho vui. Có vài anh yếu đô còn gục trước cả mình", N.Nga cho biết. Cứ nghĩ cô nàng ham chơi hơn ham làm nhưng ngược lại, N.Nga từng giành phần thưởng của công ty là chuyến du lịch sang Nhật dành cho nhân viên giỏi. Dĩ nhiên vốn tiếng Nhật của cô thì khỏi chê - đủ để cãi tay đôi với mấy người bạn xứ hoa anh đào.
Không hề thua kém về khoản sành điệu là Ngọc Thanh, đang làm kế toán cho một công ty ở Q.1. Từ thời sinh viên, cô nàng đã "nổi danh" trong đám bạn bè về những lần "bay đêm" trong các quán bar. "Thứ rượu ngoại nào mà nó chả biết. Vào bar nào nó cũng gọi toàn rượu ngoại cao cấp, bia... cấp cao. Mà "đô" của nó khá lắm - bia cỡ chục chai trở lên, còn rượu uống đến khi nào thấy "phê" thì thôi!", cô bạn thân của Thanh kể. Bây giờ đi làm, cô nàng vẫn quen tính chơi sang nên dù mức lương chỉ khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng, cô vẫn lui tới chốn huy hoàng ngày trước. Hỏi ra mới biết, không như N.Nga có thể tự mình kiếm tiền, để phục vụ cho thói quen "hao tốn" này, Thanh phải nhờ vào "viện trợ" thường xuyên của bố mẹ khi gia đình cô thuộc hàng có của ăn, của để ở Đà Lạt.
Lưu linh hạng "xịn"
Có dịp "tháp tùng" N.T.Hương, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Q.5, TP.HCM cùng hai người bạn đến quán hải sản "ruột" trên đường Lê Quang Sung, Q.6 mới biết tài "lưu linh" của những cô chủ trẻ. Nào tôm, mực, ốc hương... - toàn là những món "đinh" và đắt nhất của quán được dọn ra kèm một két bia ướp lạnh. Vừa khởi động vài chai, các cô bắt đầu "tăng tốc" với những tiếng "dzô" và cụng ly lách cách làm phe mày râu ở những bàn khác phải trố mắt nhìn. Mặc kệ những ánh mắt "ghen tị", các cô rôm rả trò chuyện, bàn việc làm ăn và không quên châm bia, thêm mồi. Thì ra tuần nào, nhóm bạn của cô cũng "họp mặt" tại đây, thậm chí có tuần "cao điểm" đến 2-3 "độ" và chỉ "kết mô-đen" với hải sản.
Ngoài quán ruột, các cô còn sưu tập thêm những địa chỉ khác như nhà hàng hải sản ở khu Thuận Kiều hay khu Thanh Đa... để lâu lâu đổi gu. "Làm việc mệt, có dịp tụ họp lại cùng nhau tán dóc để xả "xì-trét" đó mà!", T.Hương giãi bày. Cũng "tập kết" bắt "độ" tại những quán gần khu bờ kè trên đường Lê Văn Sỹ là nhóm bạn của T.Dương, nhân viên một khách sạn năm sao Q.1. Do công việc hay tan ca về khuya nên cô cùng vài người bạn kéo nhau làm vài ly cho ấm bụng và kiếm vài thứ lót dạ cũng như "xả" hết mệt nhọc trong ngày. Mỗi "độ" thường kết thúc khi đồng hồ bước sang con số 2 và đến trưa hôm sau, T.Dương lại lồm cồm bò dậy chuẩn bị bước vào ca làm việc mới.
"Con gái đi bar hay đến quán nhậu cũng chẳng có gì là xấu, vì bạn làm ra tiền thì bạn có quyền hưởng thụ - đó là cách giải trí, thư giãn tùy theo sự lựa chọn, suy nghĩ, sở thích của từng người. Nhưng ranh giới cũng rất mỏng manh, nếu đi quá lố và không giữ được mình thì thật đáng trách!", T.V.Oanh, cô bạn đang làm hướng dẫn viên du lịch bộc bạch. Từng "rong ruổi" cùng bạn bè tại nhiều nơi như: Apocalip, Mưa rừng... nhưng hiện tại cô nàng tạm "gác kiếm" do công việc bận túi bụi và cũng vì lý do: "Đơn giản là mình không còn hứng thú như trước đây, thế thôi!".thohanvinh/Nhật Vân - Thu Thủy (Theo http://web.thanhnien.com.vn/Thegioitre/2006/9/24/1, http://tapchiktnn.no-ip.info/am/modules.php?name=News&file=article&sid=1513)

Bài 5: Nhổ tóc bạc - thú thư giãn mới cho người Sài Gòn
Khách nằm trên ghế, nhân viên dùng đèn rọi vào mái tóc rồi lấy nhíp nhổ từng sợi bạc, tóc sâu. 60.000 đồng một giờ cho dịch vụ "nằm khểnh, nhịp chân, cho người mân mê đầu". Khách nằm trên ghế, nhân viên dùng đèn rọi vào mái tóc rồi lấy nhíp nhổ từng sợi bạc, tóc sâu. 60.000 đồng một giờ cho dịch vụ "nằm khểnh, nhịp chân, cho người mân mê đầu". Chị Hạnh, vợ của anh Dương kiêm nhân viên cho biết, thời gian đầu quán còn vắng khách do ít người biết đến. Song chị vẫn tin tưởng dịch vụ chăm sóc sắc đẹp - thư giãn lành mạnh này sẽ tồn tại được tại Sài Gòn.
Nhiều khách hàng Sài Gòn thấy lạ với dịch vụ này, mấy ngày qua đồn "ở đây nhổ tóc bằng... răng". Như để thanh minh, chị vợ phân bua: "Dụng cụ nhổ bằng nhíp, trong không gian rất lành mạnh chứ không phải nhổ tóc bằng răng như lời đồn đại đâu nhé".
Cũng theo chị Hạnh, cửa hiệu chỉ phục vụ khách tại chỗ chứ không đến nhà nhổ tóc theo yêu cầu. Giá nhổ tóc sẽ giảm 20% từ giờ thứ hai.
Sau ba ngày khai trương, cửa hiệu chuyên nhổ tóc bạc ở quận 10 đã có hơn 50 khách tìm đến để được nhổ tóc. Đây cũng là điểm đầu tiên tại TP HCM kinh doanh dịch vụ này.
Chị Minh Hạnh, 49 tuổi, nhà ở quận 5, khách hàng đầu tiên của cửa hiệu cho biết, tình cờ đi ngang qua nhìn thấy bảng hiệu chị đã lập tức ghé vào. "Tóc tôi có nhiều sợi bạc, ở nhà lại không ai có thời gian nhổ giúp, một mình loay hoay bên chiếc gương cả giờ đồng hồ mà chỉ nhổ được vài sợi nên khi nhìn thấy dịch vụ là chịu ngay", chị Hạnh nói.
Còn anh Ngọc Thanh, 29 tuổi, nhà ở quận 1 thì đến với cửa hiệu vì không muốn mái tóc lấm tấm bạc của mình phải được nhuộm đen tóc bằng thuốc. "Tôi đã vài lần nhuộm thử bằng hóa chất, lần nào tóc cũng bị rụng do dị ứng", anh Thanh nói. Anh bảo có dịch vụ nhổ tóc bạc, tóc sâu càng tiện.
Một số khách lại thích cảm giác thư giãn, vừa sạch tóc bạc vừa được mân mê da đầu. Anh Khánh, nhân viên bảo hiểm tại quận 10 thì cho biết, một lần công tác tại Hà Nội, anh được bạn bè mời đến cửa hiệu Chấy nhổ tóc bạc. Ban đầu anh hơi ngại vì tưởng dịch vụ không lành mạnh, tuy nhiên khi trở về Nam anh lại thấy nhớ nhớ dịch vụ này. Chính vì thế, khi nghe đồng nghiệp giới thiệu tại Sài Gòn có dịch vụ này, anh đã đến ngay.
"Được nằm khểnh, nhịp chân cho người mân mê đầu nhổ tóc đã ngứa, thích lắm", anh Khánh khoan khoái ngả người trên ghế cho chủ tiệm "soi tóc", nói.Thiên Chương (Theo VnExpress,http://tapchiktnn.no-ip.info/am/modules.php?name=News&file=article&sid=30217)

Bài 6: Món ăn khuya
Từ lâu, ăn khuya đã trở thành một thú vui ẩm thực của người Sài Gòn. Ăn khuya với những món trái giờ đang là mốt của nhiều người. Giữa khuya tìm món đặc sản miền Trung như bánh bèo, bột lọc hay một dĩa xà lách trộn kiểu Tây quả là không dễ.
Quán Trâm (37 Nguyễn Trãi, quận 1) chuyên bán món ăn Huế đến 2 giờ sáng. Không chỉ có các loại bánh, nơi đây còn có bún chả cá Quy Nhơn nóng hổi để khách ấm lòng lúc nửa đêm. Gần đó, số 48 Lê Thị Riêng, quận 1, lại phục vụ nhiều món ăn Tây. Có nhiều món lạ cho khách chọn lựa đến giữa đêm như cơm chiên chuối, chiên táo, cá hồi xốt bơ chanh... Quán máy lạnh khang trang và giá cũng không quá mắc. Ngược về khu Chợ Lớn, quán sữa đậu nành Vĩnh Hòa (247 Nguyễn Tri Phương, quận 10) càng tấp nập người khi đêm về. Ngoài ly sữa đậu nành nổi tiếng, quán còn bán thêm sữa gạo, tương tự như sữa đậu phộng khá thơm ngon

Khuya ăn bò kho
Hơn 21 giờ, con đường Hai Bà Trưng bắt đầu vắng xe cộ là lúc quán bò kho (đối diện bánh mì Như Lan) được dọn ra. Một nồi bò kho màu nâu đỏ óng ánh sôi âm ỉ bên lề đường, thực khách ngồi lúp xúp gần nhau như muốn trốn cái lạnh trở trời của ngày cuối năm.
Đó là những hình ảnh khó quên của người dân khu vực Tân Định, quận 1 - TPHCM. Quán nổi tiếng bởi tô bò kho nêm nếm ngon và giá bình dân. Nước bò kho được nấu đậm đà, hơi ngọt một tí với những người chưa quen khẩu vị phương Nam. Ly trà đá ở đây nhìn cũng “hoành tráng” không kém gì tô bò kho. Thế nhưng, giá cả lại chưa đến 10.000 đồng. Điểm đặc biệt của quán bò kho này là nước chan khá mỡ màng và còn nặng mùi bò vì sự tập hợp “tả pín lù” của gân, mỡ bò, thịt.
Tại khu Chợ Lớn, quận 5, có xe hủ tiếu mì bò kho dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương (góc đường Nguyễn Tri Phương - Trần Hưng Đạo, quận 1) cũng khá nổi tiếng. Bò kho được chế biến có phần nhạt hơn, ít mỡ hơn và không dậy mùi bò. Thịt của tô bò kho chất lượng hơn, có mùi thơm khá lạ từ gia vị khử mùi bò khiến nhiều người vương vấn. Đặc biệt, mì ăn chung với bò kho là mì tươi kiểu người Hoa. Ăn khá dai và ngon. Quán còn bán thêm món sườn kho và nhiều món mì nước khác kiểu người Hoa để khách có nhiều lựa chọn.
Đoàn Phú
(Theo http://www.nld.com.vn,http//tapchiktnn.no-ip.info/am/modules.php?name=News&file=ar)
Bài 7: 1001 cách học không tốn tiền giữa Sài Gòn
Ở Sài Gòn, nếu nhiều tiền bạn có thể đăng ký học những khóa Anh văn, vi tính máy lạnh, chất lượng cao. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ đã nghĩ cách học tiết kiệm mà góp nhặt được "đầy ắp túi khôn".
Anh Khoa, tân cử nhân ĐH Sư phạm An Giang vừa có một quyết định làm kinh ngạc người thân và bạn bè. Tốt nghiệp loại khá ngành Toán, tương lai của Khoa vạch rõ ràng: được nhận làm thày giáo cấp III ở một trường điểm của tỉnh. Thế nhưng, Khoa lại thuyết phục gia đình cho mình "khăn gói quả mướp" lên Sài Gòn ở nhờ người bà con để tự lập một thời gian. Khoa tâm sự, lúc tốt nghiệp phổ thông vì nhà không khá giả, đành gác giấc mơ học ở Sài Gòn, giờ ra trường, cảm thấy đủ tự tin, cậu muốn biết được không khí và môi trường sống, học tập ở một thành phố lớn của cả nước như thế nào.
Công việc tạm thời đầu tiên của chàng cử nhân này là làm nhân viên phục vụ ở quán cà phê Highland gần tòa cao ốc Sài Gòn Centre Plaza. Khoa đang kiếm thêm một chân dạy kèm môn Toán để tích góp tiền theo một khóa học vi tính. "Rồi tôi sẽ về quê để ổn định cuộc sống nhưng đây là giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi", Khoa vui vẻ nói.
Không chỉ riêng Khoa, hằng năm, TP HCM đón không biết bao nhiêu thanh niên đến như một vùng đất hứa để lập thân, lập nghiệp. Nhưng nhiều người trong số họ bỏ qua những cơ hội học tập quý báu vì lý do: mải kiếm tiền, bị cuốn thời gian theo cuộc sống đầy ắp thứ vui chơi, giải trí hay thiếu tự tin để "hòa nhập"...
Thùy Linh, nhân viên ngân hàng ở Cần Thơ, đến giờ vẫn còn tiếc rẻ tháng ngày sinh viên. Linh tóm tắt 4 năm đại học ở Sài Gòn của mình: Năm 1: bỡ ngỡ, loay hoay với cuộc sống mới. Năm 2, năm 3: Đã làm quen với nhịp sống Sài Gòn thì đắt show dạy kèm, nên vừa làm vừa học đến bở hơi tay. Năm 4: vắt giò lên cổ để học, thi tốt nghiệp.
Bây giờ về quê làm việc, nghĩ lại Linh thấy mình chẳng biết Bảo tàng lịch sử TP HCM ở đâu, phải lật sách du lịch ra tìm hiểu. Khác Linh, Quốc Thanh, sinh viên Bách Khoa, lại rất biết cách chia thời gian học của mình. Là dân kỹ thuật nhưng rảnh là Thanh quảy ba lô rong ruổi. "Không có tiền du lịch xa, thì học ngay nơi mình đang sống vậy. Chỉ cần tản bộ vài vỉa hè Sài Gòn cũng quan sát khối thứ hay, còn vào Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM thì chỉ có 5.000 đồng à", anh chàng lém lỉnh nói.
Quế Chi, quê Cà Mau, gia đình rất khá giả nên được bố mua cho một căn nhà khang trang tại một con đường đắt đỏ ở Sài Gòn. Với Linh, việc học xa nhà thật ra chỉ là xê dịch về địa điểm, còn ở quê hay Sài Gòn Linh đều giữ nếp sống như nhau. Sáng cỡi chiếc Attila đi học, trưa về nhà đánh một giấc, chiều lên giảng đường chăm chỉ ghi chép, tối đến lớp Anh văn luyện giọng, nhưng thật ra cũng chỉ để khoe áo thời trang và tán chuyện. Về nhà chui vào căn phòng đầy đủ tiện nghi, Internet nối mạng toàn cầu mà cô nàng chỉ muốn lăn ra ngủ.
Nhiều người trẻ vì túi tiền hơi lép của mình đã vắt óc nghĩ ra những cách vừa lo kiếm tiền, vừa kết hợp học tiếng Anh, hội họa, vi tính, … năng nổ tham gia hoạt động xã hội, biết nhìn ngó và ghi nhận và quan sát cuộc sống. Áp dụng phương thức “lấy công làm lời”, ví dụ: không tiền mua một quyển sách mình thích để về nhà nằm đọc cho thoải mái, thì chịu khó đứng nhẵn mặt ở các nhà sách lớn đọc "cọp". Muốn tiếp cận Internet thì chịu khó chen chân ở phòng net của trường, hay của thư viện Tổng hợp thành phố... Chuyện lấy được bằng C tiếng Anh loại khá và đạt điểm 9 môn Anh văn chuyên ngành Báo chí của Thu Trang, sinh viên khoa Ngữ văn - báo chí, ĐH KHXH&NV, rất ấn tượng với bạn bè cùng khóa. Tiền hằng tháng ba mẹ gửi chỉ vừa khít tiền nhà và ăn uống nên Vân không thể đăng ký học ở trung tâm. Cô nàng có quyển sổ nhỏ ghi chép cẩn thận những từ mới, cách dùng từ, đặt câu. Mảnh bao bì, hộp giấy nào có chữ tiếng Anh chỉ thoát khỏi tay Trang khi đã được dịch kỹ càng. Mỗi lần lướt net, cô tranh thủ search (tìm kiếm) thật nhiều bài học trên mạng, lưu vào đĩa A rồi về trường in lại với giá rẻ. Chỉ học từ từ như thế mà đến nay, Trang có thể tự tin đọc báo tiếng Anh, giúp các bạn học yếu trong lớp.
Còn Mai Trang, sinh viên trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết, sáng chủ nhật nào cô cũng cùng người bạn thân của mình cố gắng dậy sớm đi CLB tiếng Anh và Hoa ở Nhà Văn hóa thanh niên TP HCM. Trang chia sẻ kinh nghiệm đi CLB Anh văn bằng những lời khuyên, phải biết "chọn mặt gửi vàng" lựa người giỏi ngồi gần để luyện nghe và nói, giữ gìn cẩn thận tờ chủ đề hàng tuần để luyện dịch và học thành ngữ...
Nhiều bạn trẻ ví Sài Gòn sôi động là một trường "đại học mở", ở đó có thể vừa học vừa hành, bắt nhịp ngay với cuộc sống. Mai Linh, Thu Nga cùng nhóm bạn ĐH dân lập Văn Lang là những người rất hiểu điều đó. Học ngành du lịch nên mỗi lần thành phố tổ chức những Ngày hội du lịch lớn, nhỏ các bạn đều tham gia nhiệt tình, thu thập những brochure của các công ty, hỏi han kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội ... Còn với Tôn Nữ Ngọc Hân và các bạn ĐH Kinh tế, thì buổi tọa đàm về cuốn sách best - seller Thế giới phẳng (Thomas Friedman) được tổ chức tại Hội Nhà báo TP vừa qua là buổi học "free" hay nhất mà các bạn từng tham gia.
Đôi khi không cần đến tiền, hoặc tốn không quá nhiều tiền như đã nghĩ, nhiều bạn trẻ vẫn tự tin trang bị cho mình một vốn kiến thức tổng hợp phong phú, khả năng giao tiếp nhạy bén và nhất là bản lĩnh của một người trẻ dám nghĩ, dám làm. Đó là nguồn kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà nếu chỉ ỷ lại vào túi tiền rủng rỉnh thì không biết đến bao giờ người trẻ sở hữu được chúng.
Điều chắc chắn là có 1001... cách học không tốn quá nhiều tiền, còn việc học gì, phương pháp như thế nào, nhằm hướng đến điều gì tùy thuộc vào mục tiêu và óc suy nghĩ sáng tạo của người học.
Anh Vân (Theo http://www.vnexpress.net,http//tapchiktnn.no-ip.info/am/modules.php?name=News&file=article&sid=8791http://tapchiktnn.no-ip.info/am/modules.php?name=News&file=article&sid=8791http://tapchiktnn.no-ip.info/am/modules.php?name=News&file=article&sid=8791)

Bài 8: -Sài Gòn: Nằm... uống cà phê
Ở Sài Gòn có bao nhiêu quán cà phê... nằm ngủ được? Hãy tưởng tượng một buổi trưa nắng, sau khi làm việc mệt nhoài, bạn tấp vào một quán cà phê máy lạnh và chợt nhận ra rằng: giá như được nằm xuống đánh một giấc. Và đấy là lúc là bạn ao ước có một quán cà phê... nằm.
Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên, đi cà phê sao lại... nằm?! Nhưng bởi là Sài Gòn, nên việc đáp ứng cho nhu cầu này của bạn dường như đã gần trở nên phổ biến. Thật ra, tư thế nằm ngồi, ngủ hay không ngủ trong một quán cà phê là quyền của khách. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến những quán cà phê mà việc khách nằm, ngủ trưa ở đó được xem như là một việc... chấp nhận được, không bị ai đánh giá, cũng không bị ai làm phiền.
Đầu tiên là quán Le Fenetre Soleil - Cửa sổ mặt trời. Dân sành với cà phê nằm bình chọn, đây là quán rất rất dễ thương bởi phục vụ tốt và gần như là điểm hẹn của rất nhiều người trẻ... thiếu ngủ.
Quán nằm trên một căn gác biệt thự cổ kiểu Pháp góc đường Nam Kì Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn. Quán có hẳn một chiếc giường căng rèm tím trông rất lãng mạn. Ngoài ra còn có những bộ sopha vải cùng nhiều gối ôm, trong nền nhạc nhẹ nhàng kiểu Norah Jones, thật là một điều kiện lý tưởng để... ngủ. Những “cửa sổ mặt trời” rèm trắng, màu hoa chuối cam tươi, màu sen hồng phớt nụ... cùng không gian trong căn biệt thự cổ liệu đã đủ để ru bạn vào một giấc mơ đẹp?!
Le Petit Cafe trên đường Hai Bà Trưng là một điểm hẹn lý tưởng. Phòng VIP trên căn gác nhỏ có hẳn một dãy giường dài êm ái chất đầy gối ôm. Dưới sàn trải thảm là nhiều túi nằm hạt xốp rất êm, rất... dễ ngủ. Trần nhà quét sơn đen có hệ thống đèn màu li ti trông như một bầu trời đêm kì thú. Ban ngày, nắng tràn qua dãy rèm mỏng vào ô cửa sổ màu trắng xinh xinh cũng gây nhiều cảm xúc lạ thường. Buổi trưa vào Le Petit uống xong ly nước rồi ngủ một giấc là điều cực kì... có lý. Phải chăng vì thế mà trong menu có ghi thêm khoản “Lưu lại quá 3 tiếng tính thêm phí phục vụ”!
Himiko café (Huỳnh Tịnh Của) thực ra là một visual art saloon, nhưng cũng khá thích hợp nếu bạn muốn tìm một không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi buổi trưa. Quán vắng, ghế nệm êm, gối êm, nền nhạc Leonard Cohen dìu dặt. Tông màu đen đỏ rất “art”, không khí trong quán khá dễ chịu, thoải mái vì mọi người chỉ dành cho nhau một sự quan tâm vừa phải.
Không gian ba quán cà phê trên đều nhỏ xinh, ấm cúng nên bạn có thể yên tâm rằng giấc mơ mình không “đi lạc” quá xa. Giá nước hơi cao (khoảng từ 30.000 đồng) nhưng cũng chấp nhận được khi ở đó, bạn có những phút giây nghỉ ngơi thoải mái, dễ chịu.
Tất nhiên, Sài Gòn còn rất nhiều quán cà phê như thế nữa. Sổ địa chỉ của những quán cà phê nằm sẽ là một bộ sưu tập dài hơi.
NHÃ ANH (Theo http://www.tuoitre.com.vn,http//tapchiktnn.no-ip.info/am/modules.php?name=News&file=article&sid=2423http://tapchiktnn.no-ip.info/am/modules.php?name=News&file=article&sid=2423http://tapchiktnn.no-ip.info/am/modules.php?name=News&file=article&sid=2423)

Bài 9: Đưa cay cùng thịt ngựa
Chỉ mới xuất hiện ở thị trường ẩm thực TPHCM hơn hai tháng nay, thịt ngựa đang là món ăn lạ miệng nhưng không kém phần khoái khẩu, nhất là đối với đấng mày râu thích đưa cay. Vậy thịt ngựa có ngon không?
Một số nhà hàng như Viễn Tây trên đường Phạm Ngũ Lão, Ngã Ba Sông ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Sông Quê đường Huỳnh Tấn Phát, Thiên Hà đường Thái Văn Lung… gần như “chóng mặt” trước nhu cầu ăn thịt ngựa của thực khách.Cũng như thịt bò, thịt ngựa có thể chế biến thành món lúc lắc, bít tết khoai tây, nướng, lẩu, tiềm thuốc bắc… Riêng phần “ngọc ngọ” khi ngâm rượu với mật ong thì đưa cay rất khoái khẩu. Theo bác sĩ Nguyễn Lân Đính, một chuyên viên về dinh dưỡng, thì trong 100gram thịt ngựa có 181 calo, 21,5 gram đạm, 19 gram béo. Thịt ngựa còn chứa 21,5% protid, 5-7% lipid, muối khoáng và các vitamin A, B, E, C, D, acid béo và acid amin. Đặc tính của thịt ngựa là có vị ngọt, tác dụng bổ gân cường cơ… Còn theo Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, thịt ngựa (còn gọi là mã nhục), trị nóng, hói tóc. Sữa ngựa (mã nhũ) có tính mát, khi nấu sôi lên rồi uống chủ trị tiểu đường, nha cam, có tác dụng bổ huyết, nhuận táo. Gan ngựa (mã can) chủ trị kinh nguyệt không thông, đầy trướng, đau nhức tứ chi. Da ngựa (mã bì) có thể chủ trị tê bại, thấp nhiệt, rụng tóc… Riêng xương ngựa (mã cốt) khi nấu thành cao còn trị được bệnh lở đầu, âm sang, móng né.Chúng tôi vào bếp của Công ty Chu Việt trên đường Đặng Văn Ngữ, nhà phân phối thịt ngựa lớn nhất ở Việt Nam, để xem đầu bếp trổ tài làm bít tết ngựa. Sau khi phi hành, tỏi băm cho thơm vàng, bếp trưởng cho miếng thịt ngựa (dày khoảng 1cm, đã ướp và “dần” cho mềm) vào chảo gang có dầu ăn, sau đó trở mặt để miếng thịt chín đều rồi dọn ra dĩa. Cũng kèm với khoai tây chiên vàng, nước sốt, anh đầu bếp còn “bố trí” thêm mấy cọng hành boa rô, ngò tây, hành tím và cà rốt đỏ cùng nửa ổ bánh mì nóng. Một phần bít tết ngựa như thế có giá 35.000 đồng. Ông Lê Hải Châu, Giám đốc Chu Việt cho biết: “Trên đà thành công này, đến cuối 2007, toàn TPHCM sẽ có 100 cửa hàng ăn sáng bán bít tết ngựa. Chúng tôi cũng đang liên hệ nhiều đối tác để “nhượng quyền thương mại” bởi thịt ngựa đang rất thời thượng. Bên cạnh đó, Chu Việt cũng sắp tung ra thị trường loại rượu mang tên Hàn Pín Tửu được chế biến từ đế nếp, mật ong, hà thủ ô và “ngọc ngọ”. Giới sành ăn chắc sẽ hoan nghênh món khoái khẩu này như lẩu dê uống kèm rượu ngọc dương vậy. Chỉ có điều do nguồn thịt ngựa đang phải nhập khẩu nên giá còn hơi cao”. (Theo http://www.sggp.org.vn/dulichkhampha/2006/9/62599/)
Bài 10: Thú chơi xe cổ
“Nhiều khi đang đi nhìn đâu đó có những chiếc xe cổ, về nhà không ăn không ngủ được, hình ảnh xe cổ cứ ám ảnh suốt ngày này qua ngày khác, làm sao phải mua bằng được mới yên tâm. Có hôm tôi nhìn thấy chiếc xe chủ phát giá đến 8.000 USD, cứ lần lữa, sau có người mua tôi xót xa mất mấy tháng”, Tiến Vang tâm sự.Tiến Vang, một tay chơi xe cổ tướng mạo rất “ngầu”, thích phiêu du, đang sở hữu một chiếc moto Harley Davidson, đời 1957 (sản xuất tại Mỹ), kể: Hơn một năm trước nghe có một chiếc xe cổ, đời trước 1960, ở tận Thái Nguyên. Có ít thông tin về chiếc xe, anh tức tốc lên đường tìm về tận nơi. Khi đến nhà chủ xe đang hái chè trên rẫy chưa về. Thế là anh ngồi đợi đến tận xế chiều chủ mới về và mở cửa... kho nông cụ ra cho khách xem chiếc... xe cổ.

Trước mắt Vang là một đống sắt vụn, mỗi nơi một miếng sắt, lẫn lộn trong đống quang gánh... Mảnh sắt rời mang dòng chữ Harley đập vào mắt anh đầu tiên, không chần chừ, mặc dù đã tối, Vang lẳng lặng nhặt nhạnh từ chiếc khung, đến máy xe, tìm kiếm từng mảnh vụn còn sót lại, cho dù nhỏ nhất, lau chùi cẩn thận mọi thứ như một nhà khảo cổ tìm được báu vật thời tiền sử.
Ông khách trả anh nông dân 5 triệu đồng, cho đống sắt vụn lưu cữu nhiều năm trong nhà. Trước đây anh nông dân hái chè chạy chiếc xe Harley, tiền cày bừa không đủ nuôi xăng xe, sinh chán, bỏ, mua chiếc xe Trung Quốc đi vừa tiết kiệm, lại đẹp.
Vang áp tải đống sắt vụn lên tàu hỏa, thuê nhà tàu đóng chiếc xe cổ vào nguyên một kiện hàng. Về lại TP HCM, anh mang đống sắt vụn đến một người bạn sửa xe trên đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp bắt đầu công đoạn phục chế. Do tiệm khá đông khách nên việc phục chế chiếc Harley cổ chỉ tranh thủ vào buổi tối. Phải mất 2 tháng sau đống sắt vụn kia mới biến thành một con xe tươm và thi thoảng chủ của nó bon bon trên đường phố.
“Nhiều khi đang đi nhìn đâu đó có những chiếc xe cổ, về nhà không ăn không ngủ được, hình ảnh xe cổ cứ ám ảnh suốt ngày này qua ngày khác, làm sao phải mua bằng được mới yên tâm. Có hôm tôi nhìn thấy chiếc xe chủ phát giá đến 8.000 USD, cứ lần lữa, sau có người mua tôi xót xa mất mấy tháng. Đồ thời trang theo xe cũng quan trọng lắm, hôm ra Huế cùng ông anh, tôi gặp một cậu bé mặc chiếc áo Harley đã cũ rách. Tôi năn nỉ xin mua với giá 500.000 đồng, mà cậu bé vẫn không chịu bán...”, Tiến Vang tâm sự.
Những người chơi xe máy cổ như Tiến Vang ở TP HCM không nhiều, người thích Harley, dân mê BMW, TWN... Vang đang quản lý cho một người anh em: 4 chiếc xe gắn máy cổ đều là đời trước 1960, đã “độ”. Có một chiếc Harley Davidson sơn vàng, đời 1952, dung tích 125 phân khối. Nghe đâu chủ khách sạn trên đường Đồng Khởi nhiều lần đến đặt vấn đề thuê về dựng trước đại sảnh - với giá 1.000 USD/tháng, nhưng chủ của nó vẫn không chịu.
Phương, một dân chơi xe gắn máy cổ, lại thích các dòng xe của Italy. Tay chơi này có thói quen cứ mỗi sinh nhật lại tự tặng mình một chiếc xe cổ. Hiện anh đang sở hữu bộ sưu tập 14 chiếc xe cổ các loại, đều ra lò trước năm 1960.
Phương kể, chơi xe máy cổ cần phải kiên trì, không thể nôn nóng được, những chiếc xe này ra đời cả nửa thế kỷ nên chơi nó mà không biết chiều chuộng, thì dễ chia tay nhau. Anh là một người vừa chơi, vừa buôn bán xe máy cổ, cứ đi một thời gian, nếu ai thích được giá thì... chuyển, không được... thì giữ lại chơi.

Dân chơi xe cổ thứ thiệt thường xuyên la cà trên mạng tìm kiếm phụ tùng thay thế từ nước ngoài hay nhờ người mua chuyển về nước theo dạng xách tay. Còn một nguồn khác, các tiệm sửa chữa xe trong quá trình làm cũng “nhặt” được những món đồ cũ của người này lại là mới của người khác, và tất nhiên không tránh khỏi cảnh “luộc” đồ khách này bán cho khách khác.
Chơi xe máy cổ cũng lắm công phu và tốn không ít tiền, những đồ thay thế đụng đâu tiền đó, mỗi món đồ chí ít cũng vài ba trăm nghìn, nếu đồ độc có thể lên tới năm, ba triệu...
Xe cổ ở TP HCM hiện nay chủ yếu là những chiếc moto của đoàn xe hộ tống quan chức chính quyền cũ còn sót lại, ngoài ra có những chiếc xe tưởng như mất hết giá trị do dân chơi "săn" từ các miền quê xa xôi, một số khác được đưa từ nước ngoài về làm phương tiện cá nhân. Có những điểm chuyên buôn bán xe máy cổ như: Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải... Tại đây, các tiệm sửa chữa kiêm luôn nghề môi giới dòng xe này. Nhưng hầu hết đều là những xe không còn nguyên bản của nhà sản xuất, hoặc lấy các thiết bị sản xuất những năm gần đây “mông má” lại.
Chơi xe máy cổ chỉ mê chưa đủ, cần phải có những kiến thức nhất định về nó: đời xe, dòng xe... Cuộc chơi đầy gian nan và tốn kém này chỉ dành cho những người am hiểu. Thị trường xe máy cổ ở TP HCM hiện nay như những đợt sóng ngầm, không ồ ạt. Giá vô chừng, một chiếc Harley Davidson có thể lên tới 8.000-9.000 USD, dòng xe cổ BMW, TWN có giá 6.000-7.000 USD/chiếc, các dòng xe Italia giá trên dưới 3.000 USD/chiếc.
Mấy năm gần đây, nhiều chiếc xe máy cổ được sản xuất tại Mỹ, Đức, Anh... của Sài Gòn xưa đã bị dân chơi nước ngoài đánh hơi, vào tìm kiếm mua lại, sau đó chuyển về nước “độ” xe chơi. Hiện nay, TP HCM đang trở thành điểm tập trung nhiều xe máy cổ nhất nước.(Theo http://ngoisao.net/news/dan-choi/2005/11/3b9b41a9/)
Bài 11: Mốt chơi xe siêu sang tại Việt Nam

Chưa đầy một năm kể từ khi Maybach 62 bất ngờ xuất hiện tại TP HCM, danh sách xe siêu sang kéo dài nhanh chóng với không dưới 5 chiếc Rolls-Royce và trên 20 xe Bentley.
Chiếc Rolls-Royce Phantom thứ 5 đã thông quan ngày 5/11 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khoảng thời gian hơn 2 tháng, 4 trong số đó đã nhanh chân cập cảng TP HCM và một chiếc ở Hà Nội. Đó là chưa kể chiếc Phantom mà một đại gia địa ốc mua từ chính hãng sẽ cập cảng tháng sau. Tốc độ tậu Rolls-Royce như thế này ngang bằng các nước trong khu vực và chỉ thua kém láng giềng Trung Quốc với 50 xe được đưa về trong năm 2006.

Rolls-Royce Phantom màu bạc của ông chủ Khải Silk. Ảnh: H.T.
Rolls-Royce Phantom màu bạc của ông chủ Khải Silk. Ảnh: H.T.

Bên cạnh Rolls-Royce và Maybach, giới chơi xe Việt Nam dường như chuộng thương hiệu Bentley hơn. Dù không nổi đình đám nhưng đến thời điểm này, số lượng xe Bentley tính trên cả nước không dưới 20 chiếc. Riêng công ty Hoàng Trọng đã đưa về tới 14 xe theo đơn đặt hàng của các vị khách TP HCM.
Khách hàng chơi Bentley thường kín tiếng và một phần nữa do xe của hãng này không quá đồ sộ như Rolls-Royce hay Maybach nên không "hot" bằng. Năm ngoái, chiếc Bentley đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội trước Maybach 62 tới vài tháng, với giá cỡ 600.000 USD nhưng gần như "vô hình".
Dòng Bentley thịnh hành nhất tại Việt Nam là Continental Flying Spur với mức giá nhập mới nguyên chiếc khoảng 500.000-600.000 USD tùy trang thiết bị đi kèm. Ngoài ra còn một vài mẫu khác cũng nằm trong "tầm ngắm", như chiếc coupe Continental GT về TP HCM cuối tháng 10. Sắp tới, giới hâm mộ Bentley sẽ có thêm thành viên mới khi Flying Spur màu đỏ sẽ cập cảng theo đơn đặt hàng của nữ Tổng Giám đốc Shiseido Việt Nam.
Phong trào chơi xe siêu sang nở rộ sau sự kiện một đại gia ngành thực phẩm tậu Maybach 62 hồi tháng 12 năm ngoái. Trước thời điểm đó, hình ảnh Maybach hay Rolls-Royce chạy trên đường phố gần như là không tưởng bởi ngay tại các thị trường lớn, dòng xe này cũng là của hiếm. Theo tiết lộ của giới trong nghề, khả năng tài chính vô hạn đã hối thúc ông chủ này bỏ tiền mua Maybach bằng được, dù cho đến nay ít khi thấy nó xuất hiện trên đường.
Sau khi bộ ba Maybach, Rolls-Royce và Bentley góp mặt đầy đủ, mốt chơi xe chuyển sang xu hướng mới. Thay vì đưa về theo đường xe cũ nhập khẩu, các đại gia giờ đây nhập hẳn xe mới tinh và chiếc Rolls-Royce Phantom cập cảng ngày 5/11 là ví dụ. Dù đi theo đường miễn thuế nhưng dưới tư cách là xe "đập hộp", chủ nhân của nó cũng đã tạo nên sự khác biệt.
Tuy nhiên, nhập xe mới nhưng "phải" đi qua đường giảm thuế chưa thực sự hấp dẫn. Một đại gia địa ốc Sài Gòn đã liên hệ thẳng với Rolls-Royce Châu Á - Thái Bình Dương để đặt mua Phantom có logo công ty in trên xe, giống như các khách sạn hạng sang Hong Kong vẫn làm khi mua về làm xe limousine.
Cho đến thời điểm này, đây là chiếc Rolls-Royce đầu tiên về theo con đường chính hãng và khách hàng sẽ được hưởng những dịch vụ chăm sóc đặc biệt mà nhà sản xuất xe siêu sang Anh quốc dành cho.
Một điểm thú vị là chủ nhân tương lai của chiếc Phantom là người đặc biệt mê xe BMW. Dịp Euro Auto khai trương showroom BMW, đại diện của Rolls-Royce khu vực đã tranh thủ đi thăm khách hàng "ruột" và cam kết sẽ giao hàng đúng hẹn. Ngoài ra, tên vị khách này sẽ được đưa vào cuốn kỷ yếu khách hàng Rolls-Royce.

Bentley Continental Flying Spur len lỏi qua chợ Việt Nam.
Bentley Continental Flying Spur len lỏi qua chợ Việt Nam.

Tuy được hưởng những cảm giác đi xe mà hiếm ai có, nỗi lo lớn nhất của những khách hàng tậu xe siêu sang là dịch vụ hậu mãi. Chỉ cần hỏng hóc nhỏ, việc sửa chữa cũng rất khó khăn do không có đại lý chính hãng tại Việt Nam. Một đoàn chuyên gia của Maybach từng định sang để bảo dưỡng chiếc Maybach 62 nhưng rồi kế hoạch bị hoãn.
Ông Huỳnh Dư An, Tổng Giám đốc Euro Auto, đơn vị phân phối xe BMW cho biết với lượng xe Rolls-Royce về ngày càng nhiều, công ty này có thể sẽ xin hãng mẹ cho mở dịch vụ bảo dưỡng tại Việt Nam. Khi đó khách hàng sẽ yên tâm hơn và trên thực tế, nhiều thiết bị của BMW, Rolls-Royce dùng chung lẫn nhau.
Nếu Maybach có thể nhờ cậy Mercedes-Benz Việt Nam, Rolls-Royce có BMW thì Bentley có thể gặp khó khăn do hãng mẹ Volkswagen và "anh em" Audi chưa có mặt tại Việt Nam. Do vậy, chơi xe cần phải đam mê và đôi chút "liều lĩnh".

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi7Il_QbUwzzoDgAWwjhHdbzWSv5h2qgXXaJj5q1W_Y9NZIamA6-Ok7pCLJ9cdglLaWSmlure_cBumY00sixKInpB0wx5Wh3zGhILpYxul8MqvMvXrlGlF4-p-esX2F-o93kxJKOp-Hzrg/s640/Rolls+Royce+Phantom_2.jpg

Một chiếc Rolls-Royce Phantom tại quán ăn dưới chân cầu Rạch Chiếc, TP HCM, ngày 13/7. Số lượng Phantom tại Việt Nam đã lên tới gần 20 chiếc. Ảnh của độc giả Khánh Trường, công ty Nova Vietnam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean