Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Môi sinh(5)

Năng lượng và Môi trường
Quản lý môi trường tại Việt Nam
Người nghèo luôn luôn phải chịu tác động nhiều hơn bởi tình trạng xuống cấp về môi trường. 70% dân số Việt Nam kiếm sống từ đất đai, điều đó làm cho họ bị phụ thuộc trực tiếp vào chất lượng và sự sẵn có của tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng về dân số, đô thị hóa và kinh tế cũng tạo nên sức ép ngày càng tăng đối với môi trường và người dân, những người vốn phải dựa vào môi trường để kiếm sống.
Chất lượng rừng tiếp tục xuống cấp và 700 loài động vật được xem là có nguy cơ tiệt chủng. Tình trạng ô nhiễm môi trường công nghiệp và đô thị thường xuyên vượt quá mức độ cho phép, trong khi bụi ở các vùng đô thị đã vượt quá mức độ tối đa ít nhất hai lần.
Bảo đảm sự bền vững về môi trường là một chỉ tiêu quan trọng của Việt Nam và là một trong tám
Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết thực hiện đến năm 2015. Xét mức độ rộng lớn của chỉ tiêu này, thật khó có thể đo lường. Các chỉ số thông thường cơ bản cho thấy Việt Nam có thể đang trên đường tiến tới việc chấm dứt tình trạng hủy hoại môi trường, nhưng còn lâu mới có thể đảo ngược được tình trạng xuống cấp về môi trường của thập kỷ vừa qua.
Một lời cam kết mạnh mẽ, một chiến lược chi tiết
Chính phủ Việt Nam đã xây dựng được một khuôn khổ pháp lý tốt cho công tác quản lý môi trường, bắt đầu bằng những sửa đổi đối với Hiến pháp năm 1992 và ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 1994. Gần đây Bộ Tài nguyên & môi trường được thiết lập, trong đó có Cục Môi trường quốc gia, Tổng cục quản lý đất đai và Tổng cục Khí tượng thủy văn.
Chiến lược Quốc gia về bảo vệ môi trường 2001-2010 của Việt Nam đã xác định ba mục tiêu chung cho chính sách quốc gia về môi trường, đó là:
Ngăn chặn và kiểm sóat tình trạng ô nhiễm;
Bảo vệ, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; và
Cải thiện chất lượng môi trường ở các khu vực đô thị, công nghiệp và nông thôn.
Kế hoạch Hành động quốc gia về môi trường (2001-2005) đã đi thêm một bước bằng cách đặt ra các ưu tiên về: phát triển bền vững; quản lý nước thải và chất thải rắn; quản lý rừng; tăng cường các định chế về môi trường; giáo dục môi trường; và sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý môi trường.
UNDP: Gắn kết giảm nghèo với bảo vệ môi trường
Việc thực hiện kế hoạch trên đây là một thách thức đối với các cơ quan chính phủ, bởi họ thường thiếu năng lực, công cụ và tầm ảnh hưởng đề làm cho bảo vệ môi trường trở thành một yếu tố then chốt trong công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội.
UNDP tại Việt Nam nhìn nhận rằng quản lý môi trường dài hạn là yếu tố then chốt để bảo đảm phát triển bền vững. UNDP đã cam kết cung cấp tri thức chuyên môn, nguồn lực và tuyên truyền vận động nhằm giúp Chính phủ và nhân dân Việt Nam bảo vệ sức khỏe và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình. UNDP hỗ trợ nhu cầu lồng ghép các vấn đề môi trường vào giáo dục, lập kế hoạch đầu tư và quá trình ra quyết định.

Tầm nhìn xuyên thế kỷ
Cuộc thi Môi trường xanh đã trở thành một cuộc chơi truyền thống cho các bạn sinh viên yêu thích bảo vệ và xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp; cuộc thi còn là một trong những chuỗi hoạt động của các bạn sinh viên Khoa Môi trường chào mừng 26/3 – Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Trong tuần vừa qua, cuộc thi Môi trường xanh với chủ đề “Tầm nhìn xuyên thế kỷ” đã diễn ra vòng loại với sự tham gia của 14 đội đến từ 9 trường Cao đẳng và Đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung năm nay khá rộng không bị bó hẹp trong một chủ đề nhất định nên các đội đã đem đến cho cuộc thi nhiều màu sắc đa dạng khác nhau về cái nhìn môi trường; các chủ đề mà các đội đưa đến mang nhiều thông tin tuyên truyền, kêu gọi hãy sống vì một môi trường xanh, sạch, đẹp trong tương lai. Năm nay số lượng tham dự của các đội cũng đã tăng lên cho thấy sự thu hút sự quan tâm của nhiều bạn sinh viên trong và ngoài trường. Sau 4 ngày vòng loại diễn ra, Ban tổ chức đã chọn ra được 4 đội xuất sắc nhất vào vòng chung kết ngày 23/3/2008, đó là các đội:
- Đội Rùa của trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật.
- Đội Đại Dương xanh của trường Đại học Tôn Đức Thắng.
- Đội S.E của trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Tp.HCM
- Đội HATS của trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Tp.HCM. Bên cạnh sự thành công của cuộc thi sau VI lần tổ chức không thể công nhắc tới các Công ty mạnh thường quân đã quan tâm và ủng hộ, đó là các Công ty Sản xuất Thương mại Thiết bị Y tế Minh Tâm; Công ty P&G Việt Nam; Chi cục Môi trường Tp.HCM …
10 sự kiện tài nguyên - môi trường 2008
Ngày 2/01/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2008. Đó là:
1. Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN-MT.
2. Sự ra đời của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
3. Bộ TN-MT là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.
4. Chính phủ đề xuất điều chỉnh 6 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 để giải quyết những vướng mắc trong quản lý đất đai.
5. Ngành TN-MT tổ chức thành công chuỗi Hội nghị các Bộ trưởng Môi trường ASEAN, ASEAN + 3 và Đông Á.
6. Hoàn thành việc thăm dò, phát hiện tiềm năng lớn quặng titan trong tầng cát đỏ, với dự báo khoảng 200 triệu tấn.
7. Bộ TN-MT là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với lưu vực sông trên phạm vi cả nước.
8. Nhiệm vụ định giá đất được chuyển cho ngành TN-MT.
9. Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Phát triển ngành đo đạc và bản đồ đến năm 2020.
10. Phát hiện hành vi xả trộm nước thải ra sông Thị Vải của Công ty TNHH Vedan Việt Nam.
Luật Bảo vệ Môi trường
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005.
Xin mời các bạn chọn đường link dưới đây để mở file tài liệu
http://www.epe.edu.vn/images/news/LuatBVMT.doc

Tiêu chuẩn môi trường Việt Nam
Trong những năm 60 và đầu những năm 70, người ta nhận thấy rằng thế giới sẽ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng nếu hệ sinh thái của hành tinh không được quan tâm đúng mức. Chất lượng không khí ở những khu vực đông dân trên toàn cầu đã bị phá huỷ đến mức báo động. Rất nhiều dòng sông trên thế giới đã bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến đời sống ở biển. Do đó nguồn nước trở nên không an toàn để con người có thể sử dụng với các mục đích khác nhau nữa. Thậm chí nước mưa, nguồn nước thường được coi là trong sạch nhất đã trở thành nguồn gây độc cho các loại thực vật, ô nhiễm các dòng sông và phá huỷ các thiết bị ô tô do nước mưa có tính a xít. Một bức tranh toàn cảnh truyền từ vệ tinh cho thấy rằng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên trái đất. Sự ô nhiễm hành tinh do hoạt động của con người đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với mọi người.Ô nhiễm môi trường không phải là một vấn đề mới. Ô nhiễm môi trường do hoạt động của con người đã tồn tại từ khi con người mới xuất hiện trên trái đất. Tuy nhiên, có thể thấy sự liên hệ giữa việc ô nhiễm rộng rãi trên toàn thế giới và cuộc cách mạng về công nghiệp. Trong thế kỷ 19 và 2/3 của thế kỷ 20, các nhà máy mọc lên trên khắp các thành phố. Việc sử dụng điện của các khu dịch vụ, các cửa hàng và các căn hộ hàng ngày đã thải ra hàng loạt các chất thải vào không khí, vào các dòng sông, dòng suối và đất. Khi dân số không nhiều, thì vấn đề dân số đối với môi trường chỉ là vấn đề nhỏ, không cần quan tâm tới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với việc nhân lên của các nhà máy tại các thành phố; việc tăng số lượng của việc sử dụng các chất độc hại như thuốc trừ côn trùng, thuốc trừ cỏ và phân bón hoá học; với ảnh hưởng của mỗi cá nhân trong việc tạo ra ô nhiễm môi trường từ việc mưu sinh của mình (chủ yếu thông qua việc sử dụng các nguyên liệu hoá thạchvà với việc các nguồn gây nguy hại cho hệ sinh thái ngày càng nhiều, sự lờ đi các vấn đề tồn tại không phải là một giải pháp nữa. Dân số thế giới đã tăng từ 2.5 tỉ năm 1950 lên gần 6 tỉ vào thời điểm hiện nay. Việc tăng dân số có nghĩa là dẫn đến ô nhiễm môi trường và đồng thời với việc khai thác tài nguyên nhiều hơn. Ô nhiễm môi trường và tăng sự chịu đựng của thiên nhiên diễn ra cùng một lúc. Chúng ta chỉ có thể có những nỗ lực theo một cách nào đó để kiểm soát dân số nhưng chúng ta không thể giảm việc tăng dân số theo ý định của chúng ta. Chỉ một thông số chúng ta có thể giảm được trong vòng kiểm soát của chúng ta - đó là vấn đề ô nhiễm.Vào giữa những năm 80, việc quan tâm đến môi trường đã trở lên quan trọng. Tầng ô zôn bảo vệ môi trường đang giảm dần, và đồng thời tầng khí quyển cũng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng nhà kính từ đó dẫn đến việc nóng lên toàn cầu. Những vệt cỏ dài bị huỷ hoại được quan sát thấy tại vùng mưa nhiệt đới và các nhà khoa học đã cảnh báo rằng toàn bộ hành tinh có thể bị nguy hiểm nếu việc phá rừng để làm nương vẫn tiếp tục. Quan điểm của các nhà khoa học khác nhau về việc suy giảm tầng ozon. Một số nhà khoa học nhấn mạnh rằng việc tiếp tục sử dụng chlorofluorocarbons sẽ phá huỷ tầng ozon. Chlorofluorocarbons hay CFC được thấy phổ biến trong ngành công nghiệp dung môi, hệ thống điều hoà và gần đây thấy trong các thùng chứa sơn, thuốc xịt tóc và các sản phẩm khác. Việc suy giảm tầng ozon có thể gây ung thư da. Tương tự như vậy, nếu chúng ta tiếp tục đốt các sản phẩm từ các nguyên liệu hoá thạch (than, các sản phẩm dầu mỏ) với mức độ như hiện nay hoặc cao hơn, mỏm cực băng có thể tan chảy và dẫn đến ngập lụt trên toàn thế giới.Các nhà khoa học không thể nhất trí với quan điểm việc nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Trong khi một nhóm cho rằng nhiệt độ trái đất là tuần hoàn theo các chu kỳ ngắn và dài và chu kỳ này rất rõ rệt. Một nhóm khác, khi đã thu thập ý kiến từ các phương tiện thông tin đại chúng và các chính phủ khác nhau cho rằng sự thay đổi khí hậu rất rõ rệt và điều đó do con người gây nên. Có thể thấy rất rõ ràng rằng môi trường đã và đang bị con người phá huỷ và các hệ thống sinh thái của trái đất cần được quan tâm hơn.Vấn đề môi trường đang ngày càng được các quốc gia quan tâm. Luật bảo vệ môi trường của Mỹ đã được Quốc hội thông qua vào năm 1969, cơ quan bảo vệ môi trường Hoa kỳ đã được thiết lập. Mỹ đã triệu tập hội nghị về môi trường tại Stockhom năm 1971. Hai kết quả quan trọng có được từ hội nghị này:
Thứ nhất, chương trình môi trường (UNEP) của Mỹ đã được thiết lập. UNEP sẽ phụ trách vấn đề thúc đẩy trách nhiệm và nhận thức môi trường trên toàn thế giới. Nhiệm vụ của UNEP là thông tin đến toàn thế giới về vấn đề môi trường.
Thứ hai, hội đồng thế giới về môi trường và phát triển (WCED) đã được thiết lập. Năm 1987, WCED đã xuất bản một báo cáo kêu gọi các ngành công nghiệp xây dựng hệ thống quản lý môi trường hiệu quả. Cũng vào năm 1987, một cuộc họp toàn thế giới đã được tổ chức tại Montreal để xây dựng thoả thuận cần thiết cho việc cấm sản xuất các hoá chất phá huỷ tầng ozôn.Kết quả của báo cáo của WCED là hội nghị về môi trường và phát triển của Mỹ năm 1992 (còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh về trái đất) ở Rio de Janeiro. Để chuẩn bị cho hội nghị này và để ghi nhận sự thành công của việc phát triển tiêu chuẩn ISO 9000 - hệ thống quản lý chất lượng, Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) được đề nghị tham dự. Trong suốt năm 1991, ISO cùng với hội đồng quốc tế về kỹ thuật mạ thiết lập nên nhóm tư vấn chiến lược về môi trường (SAGE) với sự tham dự của 25 nước. SAGE cho rằng việc nhóm ISO xây dựng tiêu chuẩn quản lý môi trường quốc tế và các công cụ thực hiện và đánh giá là rất thích hợp. ISO đã cam kết thiết lập tiêu chuẩn quản lý môi trường quốc tế tại hội nghị thượng đỉnh tại Rio de Janeiro năm 1992.Tuy nhiên, một số vấn đề nảy sinh trong giai đoạn đầu. Một số quốc gia thành viên đã ngac nhiên khi thấy SAGE đã vượt qua thẩm quyền của mình để đưa ra quy định về sự cần thiết của các tiêu chuẩn về môi trường và sự cần thiết xây dựng các tiêu chuẩn này. Một loạt các công việc liên quan đến các tiêu chuẩn môi trường đã được bắt đầu vào năm 1992 khi ISO thành lập Uỷ ban kỹ thuật 207 (TC 207) là cơ quan sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống quản lý môi trường quốc tế và các công cụ cần thiết để thực hiện hệ thống này. Phạm vi cụ thể của TC 207 là xây dựng một hệ thống quản lý môi trường đồng nhất và đưa ra các công cụ để thực hiện hệ thống này. Công việc của TC 207 được chia ra trong 6 tiểu ban và 1 nhóm làm việc đặc biệt. Canada là ban thư ký của Uỷ ban kỹ thuật TC 207 và 6 quốc gia khác đứng đầu 6 tiểu ban. Những công việc không thuộc phạm vi của TC 207 là các công việc liên quan đến các phuơng pháp kiểm tra ô nhiễm, đưa ra các giới hạn ô nhiễm và thiết lập các mức đánh giá hiệu quả hoạt động . Việc này tránh cho TC 207 liên quan đến các công việc chủ yếu thuộc thẩm quyền của các cơ quan luật pháp. Mua tiêu chuẩn chính thức tại địa chỉ: Phòng Xuất bản phát hành - Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - Số 8 - Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy - Hà Nội. * Điện thoại: (84-4) 7564 269 * Fax: (84-4) 8361 771 * E-mail: tcvn@hn.vnn.vn
Dấu hỏi cho môi trường Việt Nam hiện nay
Theo số liệu thống kê của Cục Kiểm Lâm, mỗi năm chúng ta mất khoảng 120 nghìn - 150 nghìn ha rừng. Các nhà máy, KCN thường xuyên xả chất thải nguy hại thẳng xuống sông gây ô nhiễm môi trường trầm trọng… Hậu quả để lại thật nặng nề.
Phá vỡ hệ sinh thái - mặt trái của nền kinh tế thị trường Trong 10 năm trở lại đây, nạn buôn bán động, thực vật hoang dã thực sự bùng phát, trở thành một trong những vấn đề môi trường cấp bách ở nước ta. Theo số liệu của Cục Kiểm lâm, hàng năm có từ 450-1.500 tấn và hàng chục vạn cá thể động vật hoang dã bị buôn bán bất hợp pháp, 40-50% tiêu thụ trong nước và phần còn lại được chuyển sang tiêu thụ tại Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Việc đẩy mạnh xuất khẩu nhóm sản phẩm nông thuỷ sản của Việt Nam đang làm thoái hoá đất do sử dụng không hợp lý, phá vỡ hệ sinh thái trên cạn và ven biển do mở rộng diện tích canh tác. Theo báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam, ước tính tỷ lệ mất rừng khoảng /năm. Trong hơn hai thập kỷ qua, diện tích rừng ngập mặn Việt Nam đã giảm đi hơn một nửa, trung bình mỗi năm mất đi gần 20.000 ha rừng đước, hơn 80% rừng che phủ đã bị ảnh hưởng. Trong đó, các đầm nuôi tôm chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này. Việc nuôi tôm trên cát còn làm ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng tới cảnh quan ven biển đang là vấn đề rất bức xúc hiện nay. Không những vậy, các yêu cầu về môi trường đối với hàng hoá xuất khẩu cũng đang là thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Bằng chứng là, nhiều lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo và từ chối do không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm như thuỷ sản, hoa quả, thực phẩm chế biến. Tiêu biểu như năm 2005 có 267 lô hàng bị cảnh báo về chất lượng, năm 2006 là 324 lô. Thậm chí, đến năm 2007, nhiều nước áp dụng tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc và nhiều lô hàng của Việt Nam đã bị cảnh báo hoặc trả lại, đặc biệt là tại thị trường Nhật Bản. Các khu công nghiệp đang “sát hại” môi trường Theo sở TN-MT Cần Thơ, hiện có 3 KCN đang hoạt động là Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 và Thốt Nốt thì chưa có nơi nào xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo quy trình, nước thải sau khi được DN xử lý bước 1, tập trung lại tại KCN xử lý lần 2 rồi mới được thải ra sông Hậu. Tuy nhiên, thực tế tại các KCN này, DN bắc các ống cống trực tiếp thải ra sông, việc này diễn ra hàng chục năm nay. 15% DN tại các KCN thải nước bẩn trực tiếp ra sông, còn lại 85% có xây dựng hệ thống xử lý nước thải bước 1, tuy nhiên việc các hệ thống này có được vận hanh thường xuyên hay không thì không chắc chắn. Thực tế tại cơ sở, hầu hết các miệng cống từ các doanh nghiệp tại các KCN này thường xuyên thải ra thứ nước đen ngòm, đặc quánh. Trên địa bàn Cần Thơ ngoài hàng trăm DN đang ngày đêm bức tử sông Hậu còn có 500 ao, bè cá, trên dưới 5.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, bệnh viện, cơ sở y tế… đều chưa có hệ thống xử lý nước thải chung. Tổng cộng, mỗi ngày bình quân dòng sông này phải “uống” hàng triệu m3 nước thải ô nhiễm. Theo thống kê sơ bộ, tại TP Cần Thơ, nước ở sông Hậu đã bị ô nhiễm cấp độ 2, rạch Sang Trắng (Phước Thới, Ô Môn) ô nhiễm cấp độ 7, rạch Bò Ót (Thới Thuận, Thốt Nốt) ô nhiễm cấp độ 4. Tại xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nồng độ NH3 vào mùa khô cao gấp 40 lần so với tiêu chuẩn môi trường cho phép. Tại Long An, với các KCN, CCN hiện có, mỗi ngày dự tính thải ra môi trường khoảng 363 tấn rác công nghiệp và 151.000m3 nước thải công nghiệp... Còn theo số liệu của các nhà khoa học, tại ĐBSCL, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi năm là 606.267 tấn, nước thải sinh hoạt 102 triệu m3/năm, nước thải công nghiệp 47,2 triệu m3/năm, chất thải rắn công nghiệp 222.032 tấn/năm, rác thải y tế 3.800 tấn/năm... Các khu công nghiệp tại ĐBSCL đều được chọn vị trí đặt tại ven sông rạch và chưa có khu công nghiệp nào xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Từ trước đến nay, các loại chất thải đủ loại đều tuôn ra sông rạch một cách… thường trực khiến môi trường sống ô nhiễm trầm trọng. Cứu lấy môi trường ĐBSCL là thông điệp của rất nhiều hội thảo bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, một lần nữa, những giải pháp cụ thể, khoa học và có tính thiết thực lại chưa xuất hiện. Môi trường tại ĐBSCL nói riêng và môi trường Việt Nam nói chung tiếp tục… giẫy chết.
Kinh nghiệm giảng dạy môn học “Con người và môi trường”: Yêu thích môn học phụ nhờ phương pháp giảng dạy hay
Là sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Huế nên học phần Môi trường và Con người được chúng tôi xem là môn học "ngoại đạo". Hầu như cả lớp chúng tôi đều không mặn mà gì với môn học này.Thế nhưng với phương pháp giảng dạy và phong cách lên lớp của thầy giáo (còn rất trẻ nhưng đã có thời gian học ở nước ngoài), chúng tôi đã hoàn toàn bị khuất phục và trở nên rất yêu thích môn học, yêu thiên nhiên và môi trường hơn.
Ngay trong buổi học đầu tiên thầy giáo đã khuấy động lớp học bằng phương pháp giới thiệu và làm quen vui nhộn. Các tài liệu và trang web liên quan đến môn học được thầy cung cấp rất đầy đủ. Thầy giải thích cặn kẽ về tầm quan trọng của phương pháp học chủ động, tự học và hứa với chúng tôi là sẽ tạo một không khí mới cho lớp học. Tất các chúng tôi đều rất phấn khích khi được thông báo rằng cả lớp sẽ không cần chép bài trong suốt quá trình học bởi giáo trình đã được thầy đưa lên mạng internet.
Không khí lớp học được khuấy động làm cho chúng tôi luôn hào hứng và tập trung trong học tập. Trong các buổi học, sau phần bài giảng về những nội dung liên quan, thầy giáo thay đổi không khí bằng cách chiếu một đoạn phim ngắn có liên quan đến bài học hoặc chia nhóm để thảo luận. Lớp học được chia thành 12 nhóm với mỗi nhóm khoảng từ 6-7 thành viên. Thầy giáo yêu cầu các nhóm đặt tên riêng cho nhóm (tên nhóm chúng tôi là hành trình xanh), bầu nhóm trưởng và thư ký của nhóm. Thỉnh thoảng thầy lại cho thảo luận cá nhân bằng cách huy động nhanh các ý tưởng trong lớp học (brainstorm). Do vậy mà tất cả chúng tôi đều cảm thấy buổi học trôi qua thật nhanh.
Các câu hỏi thảo luận rất thực tế và liên quan đến những vấn đề thời sự về môi trường hiện đang diễn ra trong nước và trên thế giới, ví dụ như vụ gây ô nhiễm của công ty Vedan, các vụ việc nhập khẩu chất thải ở cảng Hải Phòng và Đà Nẵng, biến đổi khí hậu, các vấn đề liên quan đến tiết kiệm tài nguyên, đạo đức môi trường… Tất cả chúng tôi đều cảm thấy rất thích thú với cách đặt vấn đề rất mở để cho các nhóm thảo luận, sau đó các nhóm lần lượt trình bày. Không khí trong lớp học lúc nào cũng nhẹ nhàng và thoải mái bởi những câu chuyện pha trò của thầy và những câu chuyện này đều liên quan chặt chẽ đến nội dung của bài giảng.
Ngoài ra, thầy còn dành thời gian để hướng dẫn cho chúng tôi cách tra cứu các thông tin và thuật ngữ môi trường bằng cách sử dụng trang web http://www.google.com/, cách sử dụng internet để phục vụ trong việc tự học. Rất nhiều bài đọc thêm có liên quan đến học phần được thầy post lên mạng để chúng tôi tham khảo. Các cột điểm về chuyên cần và bài tiểu luận cũng được thầy cập nhật trên mạng. Thầy giáo còn khuyến khích chúng tôi gửi bài tiểu luận qua email để tiết kiệm giấy và để sinh viên làm quen với việc sử dụng công nghệ thông tin trong học tập.
Vào tiết cuối cùng của môn học, thầy giáo yêu cầu chúng tôi mỗi người lấy ra một mảnh giấy nhỏ rồi ghi vào các góp ý về môn học để giúp thầy rút kinh nghiệm trong những năm sau. Tất cả chúng tôi cảm thấy rất thích thú vì đây là lần đầu tiên chúng tôi được đánh giá giáo viên. Thầy khuyến khích chúng tôi nói thẳng và thật để có thể giúp thầy nhận rõ những khiếm khuyết của mình trong giảng dạy. Hầu như ai trong chúng tôi cũng đều đưa ra nhận xét rất tốt về thầy, cả phong cách lên lớp lẫn phương pháp giảng dạy.
Môn học vừa mới kết thúc cách đây ba ngày, tất cả chúng tôi đều cảm thấy tiếc nuối vì thời gian sao trôi nhanh quá (học phần chỉ 30 tiết). Chúng tôi ước gì tất cả các học phần mà chúng tôi được học ở đại học sẽ được giảng dạy theo phương pháp của thầy, một phương pháp làm cho chúng tôi từ chỗ học để đối phó một môn học được cho là “phụ” chuyển sang yêu thích môn học đó và tự nhiên thấy yêu thích thiên nhiên và môi trường.
Nguyễn Thị Phương
LTS Dân trí - Quả thật môn học Môi trường và Con người (chỉ có 30 tiết cho học phần này) đâu có phải là môn học chính yếu đối với sinh viên ngành ngoại ngữ, nhưng do thầy dạy hay, có phương pháp tốt vẫn tạo ra sự hào hứng học tập trong suốt 30 tiết học đối với sinh viên; đến khi kết thúc môn học sinh viên vẫn còn luyến tiếc!
Điều đó cho thấy phương pháp giảng dạy và phong cách của giáo viên quan trọng đến nhường nào trong việc tạo ra sự hứng thú học tập cũng như hiệu quả tiếp thu kiến thưc một cách chủ động đối với học sinh và sinh viên.

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam
(VOV) - Phỏng vấn ông Trương Mạnh Tiến, Giám đốc Quỹ về hoạt động của quỹ này
PV: Quỹ Bảo vệ môi trường có vai trò gì trong việc giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý ô nhiễm môi trường mà đặc biệt là các doanh nghiệp nằm trong Quyết định 64 của Chính phủ, thưa ông?

Ông Trương Mạnh Tiến: Hiện nay, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có 200 tỷ đồng. Đây là số kinh phí hết sức hạn hẹp nhưng đã góp phần hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thời gian vừa qua, Quỹ cho các cơ sở, doanh nghiệp vay mức độ để mở trên diện rộng. Nơi được vay ưu đãi nhiều nhất là Khu công nghiệp Dung Quất và Công ty Xử lý môi trường Tân Sinh Nghĩa (xử lý rác thải tại Huế) với số kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác với mức giao động từ 200- 500 triệu đồng. Cho đến nay, Quỹ đã cho vay hơn 40 dự án với số tiền là 125 tỷ đồng.
PV: Doanh nghiệp có thể vay với mức tối đa là bao nhiêu và cần những thủ tục thế nào, thưa ông?

Ông Trương Mạnh Tiến: Quỹ có thể cho vay tối đa đến 70% tổng vốn đầu tư của dự án bảo vệ môi trường. Ví dụ nếu dự án có 100 triệu đồng thì Quỹ có thể cho vay mức tối đa là 70 triệu đồng. Để doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với Quỹ, trong hướng dẫn, mức vay ưu đãi với môi trường có thể giữ nguyên hoặc thấp hơn. Quỹ sẽ nghiên cứu, xem xét cải tiến để doanh nghiệp không cần phải mang hồ sơ đến tận nơi mà có thể chuyển phát nhanh... Các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, sử dung hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học đều được ưu tiên vay vốn của Quỹ. Tất cả dự án khi được chấp thuận phải đảm bảo điều kiện được bảo lãnh vốn vay, có tài sản đảm bảo thế chấp, vận hành bảo toàn vốn điều lệ mà nhà nước giao cho.
Cùng với các dự án trên, 500 doanh nghiệp tham gia dự án sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng đều được vay tiền của quỹ. Đây là các dự án nằm trong ưu tiên của Chính phủ, trong đó có các đơn vị nằm trong Quyết định 64. Nhưng với số lượng gần 4000 cơ sở doanh nghiệp và còn nhiều hơn nữa nên Quỹ sẽ phải chọn những vấn đề cấp bách hơn như: ưu tiên cho giải quyết môi trường lưu vực sông Cầu, Nhuệ-Đáy, Đồng Nai, sông Hàn và sông Hương. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn của Quỹ còn quá ít, không đáp ứng đủ nhu cầu vay của các đơn vị. Có những cơ sở đề nghị vay tới mức 150 tỷ đồng cho dự án bảo vệ môi trường thì nguồn vốn của quỹ không đáp ứng được. Tuy nhiên, trong Quyết định số 35 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung tăng thêm 300 tỷ đồng cho Quỹ. Tôi hi vọng nguồn bổ sung 300 tỷ từ vốn điều lệ của Chính phủ sẽ nhanh chóng được Bộ Tài chính chuyển sang Quỹ để các doanh nghiệp có thể tiếp cận. Ngoài ra, Quỹ còn có các nguồn bổ sung khác như: thu phí bảo vệ môi trường với chất thải, khai thác khoáng sản như dầu khí, than... bồi thường thiệt hại môi trường, vốn ủy thác của các nơi đưa về... Quỹ không hoạt động đơn độc mà còn có các đồng tài trợ.

PV: Ông đánh giá thế nào về mức độ đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp hiện nay so với yêu cầu đặt ra?
Ông Trương Mạnh Tiến: Tùy theo từng loại hình sản xuất mà mỗi doanh nghiệp dành ra số tiền bao nhiêu trong tổng số đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường sản xuất. Đối với Công ty TNHH Vedan, nếu dự án đó dành ra 500 triệu USD để đầu tư thì phải dành 20% cho việc xử lý ô nhiễm môi trường chứ không chỉ nói là đã đầu tư 5 triệu USD hay 10 triệu USD... Đối với loại hình doanh nghiệp sản xuất thép phải đầu tư khoảng 10% trong tổng số vốn để bảo vệ môi trường. Như vậy, có thể thấy, hiện nay, không ít các doanh nghiệp đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa cân xứng.
PV: Qua một số vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng vừa được phát hiện ở Việt Nam như: Vedan, Huyndai Vinashin..., vấn đề trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đã đến mức báo động chưa? Có phải doanh nghiệp đã đặt lợi nhuận lên trên trách nhiệm bảo vệ môi trường không, thưa ông?
Ông Trương Mạnh Tiến: Có thể không phải 100% các doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên hàng đầu nhưng có không ít những doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà không chú trọng đến bảo vệ môi trường hoặc có quan tâm nhưng quá ít. Chính điều này là một trong những nguyên nhân chính làm cho môi trường đang bị suy thoái và ngày càng tăng. Qua việc các cơ quan chức năng phát hiện gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải của Vedan đã cho thấy, trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu. Không chỉ đơn thuần chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua tất cả trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, đối với người dân xung quanh. Không có gì có thể đổi lấy được sức khỏe của người dân và các thế hệ sau. Hơn nữa, hệ sinh thái ở các vùng ô nhiễm đó sẽ bị mất đi mà không bao giờ lấy lại được. Có những cái giá có bù đắp bao nhiêu cũng không thể trả được. Tôi không đồng tình với quan điểm nói rằng phải trả giá cao, mà phải là không thể nào trả được. Theo tôi, vấn đề trách nhiệm và bảo vệ môi trường đã đến mức báo động. Chúng ta đã phát hiện ra các thủ đoạn tinh vi để thấy một số doanh nghiệp cố tình tránh né, cố tình thải các chất thải ra môi trường.
PV: Xin cám ơn ông

Hiện có 80 đơn vị đang có nhu cầu vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường 700 tỷ đồng. Nếu đáp ứng hết yêu cầu vay vốn của 80 đơn vị này, Quỹ Bảo vệ môi trường sẽ "sập" vì đến nay, quỹ mới chỉ nhận đủ số vốn điều lệ là 200 tỉ đồng. Nếu chỉ xét hồ sơ xin vay vốn của 80 đơn vị con số đề nghị cho vay với lãi suất ưu đãi đã lên đến 700 tỉ đồng (vượt quá 350% vốn điều lệ của Quỹ), chưa kể đến công tác tài trợ khắc phục hậu quả bão, lũ...
Các khoản vốn bổ sung khác như trích 50% tiền thu phí bảo vệ môi trường, trích 10% kinh phí ngân sách dành cho hoạt động bảo vệ môi trường do không phù hợp với Pháp lệnh phí và Lệ phí, Luật Ngân sách nên tính đến thời điểm này Quỹ chỉ nhận được 475 triệu đồng phí nước thải thu theo Nghị định 67. Nếu không mở rộng được nguồn vốn, quỹ này sẽ không thể vận hành được.

“Sứ quán xanh” với môi trường Việt Nam
Nhằm giúp bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu ở Việt Nam, ngày 19/1, Đại sứ Đan Mạch tại Hà Nội đã phát động chiến dịch "Sứ quán Xanh".
Thông qua chiến dịch này, Đại sứ Đan Mạch mong muốn đưa ra một ví dụ cụ thể về hoạt động bảo vệ môi trường trong bối cảnh Việt Nam và có thể thu hút được sự quan tâm của công chúng.
Những sáng kiến sẽ được tiến hành trong chương trình này gồm có: Xuất bản các áp-phích về Sứ quán Xanh, sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, các loại pin có thể tái sử dụng, tắt các thiết bị điện tử văn phòng và khi quyết định mua các thiết bị ưu tiên cao cho tiêu chí tiêu thụ năng lượng.
Mục tiêu trong năm 2009 mà Đại sứ quán Đan Mạch đề ra là sẽ giảm 2% tiêu thụ điện và 10% giấy dùng cho in ấn và photocopy. Đại sứ quán cũng sẽ có cơ chế để giám sát tiến triển để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu này.
Đại sứ Đan Mạch Peter Lysholt Hansen nêu rõ: “Là một nước có bờ biển dài và thấp so với mực nước biển, lại ở trong khu vực thường xuyên bị bão tố với lượng mưa lớn và hay thay đổi, Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia chịu tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Với chiến dịch này, chúng tôi mong muốn nêu một ví dụ đơn giản và mong muốn cũng như chúng tôi, các cơ quan, văn phòng ở Việt Nam ý thức rõ hơn về những thách thức do biến đổi khí hậu mang lại”.
Tại lễ phát động, Bộ trưởng Phát triển Đan Mạch, bà Ulla Tornaes nói: “Chúng ta thực sự cần tạo ra sự thay đổi trong nhận thức về việc tiết kiệm năng lượng và những thói quen sinh hoạt thân thiện hơn với môi trường, nếu như chúng ta muốn có được một hành tinh Xanh và trong lành. Sáng kiến Sứ quán Xanh tại Hà Nội là một bước tiến nhỏ nhưng đầy ý nghĩa trên tinh thần đó.”
Chiến dịch “:Sứ quan xanh” nằm trong chuỗi các hoạt động mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Đan Mạch đã ký kết nhằm bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu. Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Chính phủ Vương quốc Đan Mạch tài trợ gần 40 triệu đô la để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Biến đổi khí hậu từ nay cho đến năm 2013.

Phóng viên Việt Nam nhận giải truyền thông môi trường
Hoàng Quốc Dũng, phóng viên báo Tiền phong, đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Diễn đàn nhà báo môi trường Việt Nam (VFEJ), đã được nhận Giải thưởng dành cho khu vực châu Á của Giải thưởng Truyền thông Môi trường do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và tập đoàn truyền thông Reuters đồng tổ chức.Với loạt bài điều tra về đường dây buôn lậu động vật hoang dã xuyên biên giới lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, Hoàng Quốc Dũng đã trở thành nhà báo Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng của IUCN-Reuters kể từ khi giải thưởng này được chính thức thành lập năm 1998.Phát biểu với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong buổi lễ trao giải, tổ chức tối 7/10, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, anh Hoàng Quốc Dũng cho biết: “Tôi hy vọng qua giải thưởng này, thế giới và đồng nghiệp báo chí quốc tế có thể hiểu thêm về tiềm năng báo chí Việt Nam. Tôi cho rằng làng báo Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn những tác phẩm xuất sắc để đua tài với báo chí quốc tế, lĩnh vực mà lâu nay dường như chúng ta có vẻ ít quan tâm và ít tự tin.”Cùng đoạt giải thưởng khu vực năm 2008 với Hoàng Quốc Dũng còn có 5 tác giả và nhóm tác giả đại diện cho các khu vực khác như: khu vực châu Phi nói tiếng Anh và Trung Đông; khu vực châu Phi nói tiếng Pháp; châu Mỹ Latinh; châu Âu; Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và châu Đại dương. Trị giá của mỗi giải thưởng khu vực là 5.000 USD.Giải thưởng Truyền thông Môi trường của IUCN-Reuters được thành lập với mục đích nâng cao nhận thức toàn cầu về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững, thông qua việc khuyến khích các bài báo viết về môi trường có chất lượng cao và có tác động lớn đối với xã hội trong lĩnh vực được đề cập.Năm nay có 350 tác phẩm báo chí từ 5 châu lục tham dự cuộc thi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean