Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Đường Hồ Chí Minh

Đường mòn Hồ Chí Minh
I. Sơ Lược Lịch Sử:


http://www2.vietbao.vn/images/oto/quoc_te/61003392_great.jpg
Con đường chuyển vận người và vũ khí của Việt Cộng từ Bắc vào Nam xuyên qua vùng cán chảo của vương quốc Lào đã có từ thời chiến tranh Ðông Dương. Lúc đó hệ thống giao liên này đích thực là những "đường mòn" dùng cho người đi bộ xuyên qua vùng rừng rậm Hạ Lào. Sau khi chiến tranh Việt - Pháp chấm dứt vào năm 1954 với hiệp định Geneve chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, hệ thống đường mòn này hầu như không còn được xử dụng.

Cho tới năm 1959, để chuẩn bị cho dã tâm đưa quân xâm chiếm miền Nam, Việt Cộng thành lập một Ðoàn Tiếp Vận đặc biệt mang bí số 559 có nhiệm vụ bảo vệ, mở mang, tu sửa và xếp đặt những cơ sở hậu cần dọc theo trục tiếp vận Bắc - Nam dọc theo bán đảo Ðông Dương, thường được các giới chức quân sự mệnh danh là "đường mòn Hồ Chí Minh" này. Ðơn vị Việt Cộng phụ trách mang tên 559 vì được thành lập vào tháng 5 năm 1959. Nhưng dù đã được đặt dưới quyền quản trị đặc biệt của Ðoàn Tiếp Vận 559, trước năm 1967, hệ thống đường xâm nhập Bắc - Nam tại Hạ Lào vẫn rất thô sơ nên Việt Cộng còn phải dùng dân công và xe đạp thồ để chuyển vận vũ khí và tiếp liệu.

Mãi tới năm 1971, khi cường độ của cuộc chiến tranh Việt Nam gia tăng với những trận đánh qui mô trận địa chiến dùng chiến xa và đại pháo, đường mòn Hồ Chí Minh mới được canh tân thành những xa lộ lớn, xe hơi có thể di chuyển hai chiều. Con đường này bắt đầu từ đèo Mụ Già gần thị trấn Vinh - với hải cảng Bến Thủy - thuộc tỉnh Quảng Bình của Bắc Việt, xuyên qua lãnh thổ Lào rồi đâm sâu về phía Nam song song với biên giới Lào - Việt. Ðường mòn Hồ Chí Minh giao tiếp với đường số 9 là trục lộ Ðông - Tây nối liền thị trấn Ðông Hà thuộc miền Nam Việt Nam và tỉnh Savanakhet của Lào tại hai điểm quang trọng, đó là thị trấn Tchépone và Mường Nông. Hai trung tâm chuyển tiếp mấu chốt dùng làm nơi dưỡng quân và có nhiều kho quân lương, vũ khí này được Việt Cộng đặt cho bí danh 604 và 611 nằm đối diện với hai tỉnh cực bắc Quảng Trị, Thừa Thiên của miền Nam Việt Nam. Ðây là những địa điểm chính của Cộng Quân dùng làm bàn đạp để đẩy mạnh những cuộc tấn công và xâm nhập lãnh thổ Quân Khu I và II của VNCH.

II. Ðường mòn Sihanouk

Xa hơn về phía Nam, đường mòn Hồ Chí Minh kéo dài qua vùng Tam Biên, nơi gặp gỡ của 3 biên giới giữa các quốc gia Việt Nam, Lào và Cam Bốt. Khi vào tới lãnh thổ Cam Bốt hệ thống đdường xá này thường được gọi là "đường mòn Sihanouk", mang ngụ ý ông Hoàng xứ Chùa Tháp là một tay sai cho Cộng Sản Bắc Việt. Nói khác đi, đường mòn Sihanouk là phần cực Nam, nối dài của đường mòn Hồ Chí Minh nằm trong lãnh thổ Cam Bốt.

III. Hệ thống đường xá

Thông thường, khi nghe nói tới "đường mòn", mọi người đều mường tượng đến hình ảnh những lối đi nhỏ cheo leo hoặc độc đạo xuyên qua những khu rừng núi hiểm trở. Nhưng thực sự đến năm 1971, đường mòn Hồ Chí Minh là một hệ thống đường giao thông rộng lớn và phức tạp gồm nhiều xa lộ chạy song song nhau và tỏa rộng như một màng lưới nhện khổng lồ. Màng lưới này dài trên một ngàn cây số phủ dọc biên giới Việt - Miên - Lào theo hướng Bắc - Nam. Có nhiều nơi, bề rộng theo hướng Ðông - Tây của chiếc lưới nhiều nhánh này lên tới 90 cây số, ăn sâu trong lãnh thổ Lào và Cam Bốt. Các giới chức quân sự VNCH - Mỹ phỏng đoán nếu nối chung các nhánh này, tổng Cộng chiều dài của hệ thống "đường mòn xa lộ" có thể lên tới trên 10 ngàn cây số! Các cơ quan tình báo VNCH và Hoa Kỳ sau nhiều năm tung các toán thám sát vào khu vực đường mòn chiến lược này cũng mới chỉ vẽ được bản đồ được chừng trên 5 ngàn cây số, nghĩa là khoảng phân nửa. Việc khám phá, kiểm soát cũng như cắt đứt hệ thống lưới nhện này vô cùng khó khăn, không những vì quá rộng lớn mà còn vì khi cắt đứt được nhánh này, Việt Cộng lại xây cất nhiều nhánh phụ mới phức tạp nằm sâu hơn trong lãnh thổ Lào hoặc Cam Bốt.

IV. Tổ chức

Ðể xây cất, tu bổ đường mòn Hồ Chí Minh, Ðoàn Tiếp Vận 559 đã phải thường trực xử dụng chừng 100,000 dân công Lào - Việt, chưa kể khoảng 50,000 quân lính để hộ tống những đoàn quân xa di chuyển cũng như bảo vệ 7 căn cứ quan trọng dọc theo đường mòn. Ngoài những căn cứ tiếp vận chính, còn có khoảng 50 trạm giao liên phụ, gọi là binh trạm. Mỗi binh trạm là một căn cứ yểm trợ gồm các cơ cấu chuyển vận, tiếp liệu, truyền tin, tu bổ đường xá, phòng thủ, y tế v.v... riêng biệt.

Theo lời thuật lại của Thiếu Tá Lê Văn Thời, Tiểu Ðoàn Phó TÐ 4, Trung Ðoàn 2 thuộc Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, khi bị bắt làm tù binh tại vùng Căn Cứ Hỏa Lực Sophia tại Hạ Lào trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 vào tháng 3 năm 1971, anh đã bị giải qua nhiều binh trạm dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh trên đường ra Bắc. Thiếu Tá Thời cho biết mỗi binh trạm là một địa điểm dừng quân cách nhau khoảng một ngày đi bộ trong rừng có nhiệm vụ cung cấp lương thực, nơi ăn, chốn ở và hướng dẫn đoàn người tới trạm kế tiếp.

V. Di chuyển

Sau năm 1967, vì nhu cầu chuyển quân cũng như yểm trợ tiếp vận của Việt Cộng gia tăng tại chiến trường miền Nam, đường mòn Hồ Chí Minh đã được cải tiến và mở rộng để xe hơi có thể lưu thông được. Từ đó, xe vận tải kiểu Molotova do Nga Sô viện trợ đã được dùng để thay thế cho dân công và xe đạp thồ trong việc chuyên chở. Cơ quan tình báo đồng minh cho biết mỗi ngày có hàng trăm xe vận tải di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh và cũng có hàng trăm trạm nghỉ cho xe cộ chỉ riêng trong lãnh thổ Lào. Những

Bản đồ hệ thống đường mòn HCM
xe này thường chạy vào ban đêm để tránh bị phi cơ phát hiện. Mỗi đêm, xe di chuyển được chừng 50 cây số là khoảng cách trung bình giữa trạm nghỉ này và trạm khác. Vì phải di chuyển ban đêm nhưng lại không dám để đèn để tránh bị phát hiện nên cần tài xế rất quen thuộc với đường xá trong vùng. Do đó, mỗi trạm nghỉ đều có một toán tài xế cơ hữu thường trực chuyên lái xe từ trạm mình tới trạm kế tiếp để thuộc nằm lòng địa thế vì lái đi lái lại có mỗi một đoạn đường chừng 50 cây số.

VI. Hệ thống dẫn nhiên liệu

Trước kia, nhiên liệu cần dùng được chứa trong những thùng phi 200 lít do xe vận tải chuyên chở hoặc đôi khi được thả trôi theo những giòng nước vào mùa mưa. Qua năm 1968 vì nhu cầu gia tăng gấp bội, Việt Cộng đã hoàn tất một hệ thống dẫn dầu dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh để tiếp tế nhiên liệu cho các xe cơ giới. Ống dẫn dầu có đường kính 4 inch (khoảng 10 cm) bắt đầu từ đèo Mụ Già chạy dọc theo biên giới Lào - Việt tới khu vực Mường Nông bên Lào, đối diện với thung lũng A Shau về phía Nam. Như vậy, Việt Cộng không những đã giải quyết được vấn đề tiếp tế nhiên liệu cho các xe vận tải di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh, mà còn có khả năng yểm trợ cho các chiến xa hoạt đông sâu tại chiến trường miền Nam.

Tưởng cũng nên nhắc lại chiến xa kiểu PT-76 của Việt Cộng xuất hiện lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam vào đêm 8 tháng 2 năm 1968 trong trận đánh tại trại Lực Lượng Ðặc Biệt Lang Vei gần Khe Sanh sát biên giới Lào - Việt trên đường số 9. Chiến xa PT-76 là loại xe lội nước hạng nhẹ nên có thể di chuyển khá dễ đàng trên đường xá lầy lội bên Lào, sau đó, không còn thấy tham chiến cho tới năm 1971 trong trận Hạ Lào. Vì vậy, giới chức quân sự đồng minh cho rằng vì gặp khó khăn về việc tiếp tế nhiên liệu cũng như trở ngại về địa thế không thích hợp nên chiến xa hạng trung như loại T-54 của Việt Cộng không phải là mối đe dọa lớn trên chiến trường miền Nam, nhất là tại vùng cao nguyên núi non trùng điệp và rừng rậm hiểm trở.

Theo ước lượng của giới tình báo, trong khoảng thời gian 5 năm từ 1966 tới 1971, có chừng 600,000 ngàn quân CS Bắc Việt, 100,000 tấn thực phẩm, 400,000 ngàn vũ khí đủ loại và 50,000 tấn đạn dược đã được chuyên chở qua đường mòn Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam. Mật độ xe cộ đi lại rất rộn rịp trong mùa khô từ tháng 10 tới tháng 4. Sáu tháng còn lại trong năm, vì mưa lũ thường xuyên nên đường xá lầy lội rất khó đi. Các cuộc tấn công của VIệt Cộng trên chiến trường miền Nam thường được khởi sự vào mùa khô, khi việc chuyên chở người và vật liệu trên đường mòn Hồ Chí Minh không gặp trở ngại vì thời tiết.

VII. Nỗ lực cắt đứt đườn mòn Hồ Chí Minh của VNCH và đồng minh

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjTBH8NW_wgJ6LGfWCGq4iscPhmSbxWHVFbPy9v-Nc9ElgnHZN2z8GC7HWY00gKOc3VVlI8cBeLNUjljeO7bG5w-bpVAYq7DvA-LmMdu9MmRAEiil9eFYTxPE0RPq22VZCM9MJtKKHfoML5/s1600/200942315228_11_e0.jpgTrong bất cứ cuộc chiến tranh nào, tiếp vận thường là yếu tố sinh tử góp phần quyết định quan trọng trong việc thành công hay thất bại. Các bậc danh tướng cổ kim luôn luôn đặt vấn đề tiếp vận thành mối ưu tư hàng đầu trong mỗi cuộc hành quân. Thời xưa, khi hình thái chiến tranh còn đơn giản với những vũ khí thô sơ, công tác tiếp vận thường thu gọn vào việc tiếp tế lương thực cho quân lính. Dưới thời Tam Quốc bên Tầu, vạn đại quân sư Khổng Minh Gia Cát Lượng của nhà Hán đã chế ra "trâu gỗ, ngựa gỗ" để giải quyết vấn đề tải lương trong những lần "lục xuất Kỳ Sơn" ra đánh Tào Tháo tại Trung Nguyên. Ông cũng lập kế dùng thuyền chở rơm rạ chèo tới gần thủy trại của quân Tào rồi cho quân khua chiêng gióng trống khiến địch sợ hãi bắn tên loạn xạ nên nhàn nhã thu được 10 vạn mũi tên cắm vào thuyền đem về nạp cho Ðô Ðốc Chu Du của Giang Nam làm vũ khí đại thắng quân Tào trong trận Xích Bích. Tào Tháo gian hùng đã ra lệnh chém quan Chưởng Bạ Dương Tu khi lương thực bị cạn cũng chỉ mong trấn an lòng quân sĩ.

Gần đây hơn, dưới thời nhà Trần trong Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đại phá quân Mông Cổ hùng mạnh khởi đầu bằng chiến thắng Vân Ðồn khi tướng Trần Khánh Dư đốt hết những thuyền chở lương của giặc. Kết qủa, 50 vạn quân do Nguyên đã bị thảm bại. Trong thế chiến thứ hai, những đoàn chiến xa Panzer lừng danh bách chiến bách thắng dưới quyền con cáo già sa mạc Romme đã bị quân Anh chận đứng tại Phi Châu vì thiếu nhiên liệu. Vào năm 1954, quân đi Pháp đã bị thất trận tại Ðiện Biên Phủ vì bị cắt đứt đường tiếp vận và tăng viện duy nhất bằng đường hàng không.

Ngày nay, quân lực Hoa Kỳ được coi là hữu hiệu nhất thế giới không hẳn chỉ vì binh sĩ thiện chiến mà còn nhờ bộ máy tiếp vận khổng lồ hữu hiệu gần như vô giới hạn có thể tiếp tế bất cứ phần đất nào trên thế giới trong khoảnh khắc dăm ba tiếng đồng hồ. Trong cuộc chiến tại Việt Nam, theo thống kê, cứ mỗi quân nhân Hoa Kỳ trực tiếp cầm súng đánh giặc ngoài mặt trận, có ít nhất 5 người khác đàng sau lo việc tiếp vận và yểm trợ. Vì vậy, chúng ta thấy những căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ trên thế giới không phải là những trại lính mà là những căn cứ yễm trợ tiếp vận khổng lồ.

Vì tầm quan trọng có mức độ quyết định của vấn đề tiếp vận, nên binh thư thường nói "một tướng lãnh chỉ biết về hành quân mà không biết về tiếp vận thì chưa phải là một vị tướng hoàn toàn". Hoàng Ðế Napoléon bách chiến của nước Pháp tóm tắt ngắn gọn và đơn giản hơn: "Ðạo quân nào cũng tiến bằng chiếc bụng". Ý ông muốn nói quân lính có no bụng mới đánh trận được. Trong thời buổi văn minh hiện đại, chiếc bụng của một đạo quân không chỉ đơn giản chỉ cần lương thực cho quân lính, mà còn không thể thiếu nhiên liệu cho xe cộ, máy bay, tầu chiến và bom đạn cho những loại vũ khí tối tân.

Do đó, khi cường độ của cuộc chiến tại Việt Nam trở thành ác liệt với các trận đánh chuyển từ hình thái du kích chiến qua trận địa chiến với quân số đôi bên lên tới nhiều sư đoàn, vấn đề tiếp vận đương nhiên trở thành một yếu tố sinh tử đối với Cộng quân. Ðể tiếp tế cho chiến trường miền Nam, Việt Cộng dùng hai ngả chính. Ðó là đường mòn Hồ Chí Minh và hải cảng Kompong Som còn được gọi là Sihanoukville của Cam Bốt. Nhưng tới năm 1971 khi chính phủ Lon Nol thân Hoa Kỳ thay thế ông hoàng Sihanouk, đường tiếp vận từ Cam Bốt qua ngả Kompong Som bị cấm chỉ. Con đường duy nhất còn lại là đường mòn Hồ Chí Minh. Cả Việt Cộng lẫn phe đồng minh đều biết rằng bên nào kiểm soát được trục tiếp vận huyết mạch này sẽ chiến thắng tại miền Nam.

Vì tầm mức chiến lược vô cùng quan trọng này, ngay từ năm 1965, QLVNCH đã có 2 kế hoạch để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh: một là đổ bộ lên miền Bắc ngay vùng hải cảng Vinh nhằm phá vỡ ngay từ đầu mối, hai là đánh sang Lào để cắt đứt tại khúc giữa. Nhưng những kế hoạch này đã không thực hiện được vì QLVNCH không đủ mạnh. Vả lại Hoa Kỳ cũng không đồng ý nới rộng chiến tranh qua toàn cõi Ðông Dương vì e ngại Trung Cộng và Nga Sô sẽ nhân cơ hội nhẩy vào vòng chiến.

Do đó, trong lúc Cộng Quân ra sức bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh thì lực lượng đồng minh dồn nỗ lực đánh phá. Các hoạt động quân sự của đồng minh nhằm cắt đứt trục tiếp vận quan trọng này gồm: thả những toán biệt kích xâm nhập nội địa Lào, dùng máy bay bắn phá, dùng lực lượng sắc tộc thiểu số Hmong của Lào và trực tiếp đổ quân sang đánh phá.

1. Hoạt động của những toán Biệt Kích

Những đơn vị chuyên xâm nhập vùng lãnh thổ do địch quân kiểm soát này thường được gọi là Lôi Hổ do Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ huấn luyện. Ðây là những toán nhỏ chừng 4, 5 người được phi cơ thả xuống khu vực đường mòn Hồ Chí Minh để thu thập tin tức tình báo về các hoạt động và di chuyển của Cộng quân cũng như thi hành những công tác phá hoại. Ban đầu, những toán biệt kích được thả dù từ các phi cơ vận tải loại C-47, sau này được thả bằng trực thăng loại H-34 hay UH-1B. Phi Ðoàn 219 của Không Quân VNCH là đơn vị phụ trách thả và bốc những toán biệt kích bên Lào.

2. Dùng máy bay đánh phá

Song song với các hoạt động biệt kích, không lực Hoa Kỳ còn dùng phi cơ oanh tạc khu trục để thường xuyên thả bom hay bắn phá để ngăn chận sự di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh. Mỗi khi thu thập được những tin tức tình báo chính xác từ các toán biệt kích hay từ những máy móc điện thám về di chuyển của những toán quân, đoàn xe hay nơi tập trung quân của địch, phi cơ Hoa Kỳ từ các căn cứ không quân bên Thái Lan như Phanat Nikhon hay Takhli v.v... lập tức cất cánh oanh tạc. Ngoài ra, các phi cơ võ trang Hải Quân Hoa Kỳ từ hàng không mẫu hạm ngoài Biển Ðông cũng thường xuyên bay tuần tiễu dọc theo đường mòn dể sẵn sàng bắn phá mỗi khi phát hiện mục tiêu.

Các dụng cụ điện tử thám báo tối tân trông giống như những chòm cây được thả từ máy bay dọc theo đường mòn để thâu thập dữ kiện. Khi có xe hay người di chuyển qua, các máy "sensor" có antenne này sẽ ghi nhận những địa chấn và tự động phát ra những tín hiệu đặc biệt. Trên không phận Lào, lúc nào cũng có một phi cơ Hoa Kỳ bao vùng để ghi nhận và báo về trung tâm kiểm thám bên Thái Lan. Những tin tức này được đưa vào máy điện toán để phân tích và xác định mục tiêu cho phi cơ oanh tạc. Không quân Hoa Kỳ có loại phi cơ vận tải C-130 biến cải mang tên "Spectre" trang bị máy nhắm hồng ngoại tuyến chuyên dò tìm và bắn phá các xe cộ di chuyển vào ban đêm. Trong một tài liệu chính thức, cán binh Việt Cộng nhận xét về phi cơ Spectre này như sau: "Thằng này đánh đêm tinh như ma ... "

3. Lực lượng sắc tộc Hmong Lào

Ngoài các toán biệt kích hỗn hợp Việt- Mỹ, LLÐB Hoa Kỳ còn tuyển mộ và huấn luyện người của bộ lạc thiểu số Hmong để thường trực ngăn chận các hoạt động của Cộng quân bên Lào. Lực lượng người Hmong này được đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Vang Pao, đặt căn cứ tại Long Cheng. Tướng Vang Pao có nhiều tiểu đoàn hoạt động tại vùng Savannakhet gần khu vực Tchépone là một diểm tiếp vận quan trọng của Cộng Quân. Lực lượng này do Hoa Kỳ trực tiếp điều động và quản trị, không thuộc quân đội Hoàng Gia Lào trên nguyên tắc.

4. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh sang Lào

Vào tháng 2 năm 1971, khi lực lượng Cộng quân tập trung đông đảo tại Lào để dự định tấn công vào Quân Khu I, QLVNCH đã mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 nhằm phá vỡ ý đồ của địch quân bằng cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh là trục tiếp vận chính. Lực lượng VNCH gồm có các đơn vị tinh nhuệ như Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, Sư Ðoàn Dù, Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến và Liên Ðoàn 1 Biệt động Quân. Vì bị đánh trúng yếu điểm, Cộng Quân phải tung ra 6 Sư Ðoàn để bảo vệ. Ðôi bên quần thảo khoảng 45 ngày với những trận đánh đẫm máu dữ dội tại Căn Cứ BÐQ Bắc, Căn Cứ Hỏa Lực 31, đồi Lolo, đồi Sophia v.v... Kết quả, đôi bên đều bị thiệt hại nặng về nhân mạng, chừng 10,000 người về phía QLVNCH và 20,000 người về phía Cộng Quân. Nhưng điều quan trọng là tuy QLVNCH chiếm được mục tiêu Tchépone, phá hủy nhiều cơ sở tiếp vận quan trọng tại khu hậu cần 604 và 611, nhưng vì không đủ quân số chiếm đóng nên phải rút về, không hoàn toàn cắt đứt được đường mòn Hồ Chí Minh. Vì vậy, chỉ tới mùa hè năm sau, Cộng Quân đã tập trung được đủ tiếp vận và quân số để vượt biên giới tấn công VNCH tại 3 mặt trận: giới tuyến Ðông Hà tại Quân Khu I, vùng cao nguyên Kontum tại Quân Khu II và thị trấn An Lộc thuộc tỉnh Bình Long tại Quân Khu III.

Kết luận

Sau khi hiệp định ngưng chiến Paris được ký kết vào năm 1972, chấm dứt chiến tranh Việt Nam trên giấy tờ, quân đội Hoa Kỳ có cớ rút lui "trong danh dự". Quân Lực VNCH không còn được yểm trợ$đúng mức nên thiếu sức mạnh để đánh phá khu vực đường mòn Hồ Chí Minh. Cộng Quân coi như được Hoa Kỳ bật đèn xanh, tự do chuyển người và vũ khí xâm lấn miền Nam. Vào tháng 4 năm 1975, Cộng Quân đã dùng toàn lực, đưa hầu hết quân số của miền Bắc, khoảng 20 sư đoàn chiến đấu, nhiều Sư Ðoàn pháo binh và Trung Ðoàn chiến xa nặng vào chiến đấu tại miền Nam với đầy đủ lương thực, nhiên liệu và đạn dược. Tất cả bộ máy quân sự khổng lồ này đã được di chuyển qua ngả đường mòn Hồ Chí Minh, chẳng gặp sức chống đối hay trở ngại nào vì QLVNCH không còn mạng để ngăn chặn. Có thể nói miền Nam đã rơi vào tay Cộng Quân dễ dàng vì chúng đã hoàn toàn làm chủ được con đường tiếp vận huyết mạch Hồ Chí Minh.

Trần Ðỗ Cẩm (camtran11@yahoo.com)

http://saigontoserco.com/files/news/duong_mon.jpg
ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH - QUẢNG TRỊhttp://data.bachkhoatoanthu.gov.vn/data/dic/images/images/anh%20minh%20hoa%20tap%201d/duong%20mon%20hcm.jpghay Đường Trường Sơn là tên gọi của mạng lưới giao thông quân sự chiến lược mà chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xây dựng tại miền Trung Việt Nam và Lào để chi viện cho những người cộng sản miền Nam trong 16 năm (1959—1975) của thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Về mặt quân sự Đường mòn Hồ Chí Minh là một chiến trường vận chuyển giữa hai miền.
Đường mòn Trường Sơn trở thành một con đường nối liền Bắc Nam trong những năm đầu của cuộc Chiến tranh Đông Dương khi nó là một trong những tuyến đường đưa cán bộ di chuyển giữa hai miền để tránh sự truy quét của quân Pháp. Tuy nhiên, khi ấy nó chỉ là một con đường có tính cách chiến thuật. Sau khi chính quyền Việt Nam Cộng hoà ra đời, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, đã phủ nhận Hiệp định Geneve về Việt Nam năm 1954, chia cắt đất nước. Để tiếp tục chi viện cho những người Cộng sản miền Nam, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã quyết định xây dựng những con đường chiến lược. Trên cơ sở đã có 2 tuyến đường được xem xét là tuyến đường bộ qua dãy Trường Sơn và tuyến đường biển trên biển Đông. Cả 2 đều có tên gọi là đường Hồ Chí Minh. Riêng tuyến đường bộ, do đoàn cán bộ đầu tiên chỉ huy xây dựng tuyến đường này được thành lập vào tháng 9 năm 1959, nên con đường còn có mật danh là đường 559.
Đường mòn Hồ Chí Minh nối liền miền Bắc với miền Nam, bao gồm các hệ thống đường đất ở phía Đông và Tây dãy Trường Sơn, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu. Quân đội miền Bắc triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của đường mòn này. Miền Bắc dùng đường mòn này để vận chuyển bộ đội, vũ khí, xăng dầu, đạn... vào phía Nam và vận chuyển thương bệnh binh ra Bắc.
Trong khi đó, lực lượng quân sự Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ngăn chặn bằng các hành động quân sự bộ binh, không quân. Lực lượng quân sự Mỹ còn sử dụng các máy móc điện tử phát hiện thâm nhập, thường được gọi là Hàng rào Điện tử McNamara, để xác định các khu vực có hoạt động của quân đội miền Bắc.
Trên thực tế, đường mòn Hồ Chí Minh trải đi gần suốt các tỉnh miền Trung với các hoạt động quân sự tập trung ác liệt nhất ở Quảng Bình và Quảng Trị. Trong Chiến tranh Việt Nam ước lượng đã có 3 triệu tấn bom đổ xuống Lào mà chủ yếu là để cắt đứt giao thông trên đường mòn này. Tính đến ngày Việt Nam thống nhất (30-4-1975), đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong Trường Sơn đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ôtô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm...
Ngoài ra, hoạt động vận chuyển của quân đội miền Bắc còn được thực hiện trên biển, tạo nên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển ít nổi tiếng bằng.
Sau chiến tranh đường mòn Hồ Chí Minh không còn được sử dụng và hầu hết các con đường chỉ có ý nghĩa quân sự đã nhanh chóng trở nên hoang phế.
Những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, để kỷ niệm con đường giải phóng miền Nam, tên gọi Đường Hồ Chí Minh được dùng để gọi con đường mới, là đường thứ hai sau đường quốc lộ 1A, xuyên suốt Việt Nam.

Một khảo sát do hãng bảo hiểm Bennetts tiến hành đã kết luận Đường mòn Hồ Chí Minh là 1 trong 5 địa điểm lý tưởng nhất cho người đi xe máy hay xe đạp.Đứng ở vị trí đầu bảng là Great Ocean Road của Australia với 27% phiếu bầu. Kéo dài hơn 400 km và chạy dọc bờ biển đông nam Australia, Great Ocean Road sở hữu một khung cảnh tuyệt đẹp và những bãi biển vô cùng hấp dẫn. Route 66 vẫn là một sự lựa chọn phổ biến với 22% người muốn qua Mỹ trên đại lộ nổi tiếng này. Với chiều dài 3920 km, Route 66 chạy từ California tới Chicago và là điểm đến lý tưởng thứ hai cho người đi xe máy.
HCM.jpgVị trí thứ 3 mà các tay đua thích được khám phá là Đường mòn Hồ Chí Minh. Là tuyến đường xuyên Việt kéo dài từ Bắc tới Nam, Đường mòn Hồ Chí Minh thực sự là địa điểm lý tưởng cho những chuyến off-road chinh phục địa hình.

Ở vị trí thứ 4, nơi có 11% mơ ước được đi qua, là đường từ Paris đến Dakar. Khảo sát cho thấy những người đi xe máy muốn tránh xa những con đường ở Anh trong thời tiết khắc nghiệt với chưa đầy 1% lái xe chọn con đường đá dăm khét tiếng của Donnington Park hoặc quanh hòn đảo Isle of Man. Con đường duy nhất ở Anh nằm trong top 5 là 1400km từ Lands End đến John O’Groats với 7% phiếu bầu và đứng ở vị trí thứ 5.

Giám đốc marketing của Bennetts, Mark Fells, nhận xét: “Tất cả những người đi xe máy đều có một địa điểm mơ ước hoặc một con đường mà họ hy vọng được thử thách trên chiếc xe máy của mình”

KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ



ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN HÙNG VĨ


"Đường mòn Hồ Chí Minh" đã trở thành một con đường nổi tiếng thế giới, trở thành một biểu tượng của tinh thần quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam ta. Đó cũng chính là con đường dẫn dân tộc ta, quân đội ta đi tới trận quyết chiến cuối cùng, tới ngày 30/4 toàn thắng. Đường Trường Sơn đã trở thành một nét son chói lọi trong ký ức của dân tộc ta, trở thành di sản quý giá của lớp lớp những người đi trước để lại, "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước..." đã là lời thề của cả một thế hệ. Biết bao người con thân yêu của dân tộc ta đã hy sinh xương máu, hy sinh cả tuổi trẻ của mình cho con đường để đi tới ngày toàn thắng ấy.

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Quốc khánh 2/9 (1945-2010) và kỷ niệm 39 năm ngày thành lập và cũng là ngày truyền thống của Trung đoàn ô tô vận tải 13 Anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (15/9/1971-15/9/2010), đơn vị mà tôi khi mới vào chiến trường đã được điều động bổ sung quân số đợt đầu tiên lúc mới thành lập.
Nhân dịp này, tôi xin điểm lại ký ức: "Có một thời như thế". Cái ký ức tự hào của một thời trai trẻ với Trung đoàn Anh hùng của một thời "Hoa lửa" hào hùng.




Áo giáp và mũ sắt là trang phục lính xe của tôi những ngày đầu tiên là quân số của Trung đoàn ô tô vận tải 13 Anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.


Đến nay, sau hơn 50 năm, lịch sử đã khẳng định đường Trường Sơn là một kỳ tích của dân tộc Việt Nam; là bước phát triển sáng tạo về khoa học, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân. Bởi con đường này chính là khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Khát vọng đó dường như vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người lính đã từng vượt Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Điều đó lại càng rõ hơn trong tôi, người đã từng vượt Trường Sơn trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại vào Nam chiến đấu năm nào. Với mỗi người lính đã từng vượt Trường Sơn trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong những tháng năm chiến tranh ác liệt thì đó là một phần ký ức không thể nào quên.

"Đường mòn Hồ Chí Minh" là cái tên để gọi tuyến vận tải bí mật của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tuyến đường này bắt đầu hình thành từ tháng 5 năm 1959 do vậy còn có tên là đường 559. Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) là đơn vị được giao nhiệm vụ "soi tuyến, mở đường" xây dựng các Binh trạm hậu cần, y tế, công binh, bộ binh, phòng không để duy trì hoạt động của hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh đảm bảo nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.




Đội hình xe Gaz-53 của Tiểu đoàn 74 - Trung đoàn ô tô vận tải 13 trong chiến dịch vận chuyển mùa Khô năm 1971-1972.


Trải qua 16 năm (1959 -1975) xây dựng, hình thành, duy trì và mở rộng, tuyến đường đã hoàn thành xuất sắc vai trò sứ mệnh lịch sử của mình. Trong gần 6 nghìn ngày đêm, lực lượng quân sự Mỹ, ngụy đã tập trung huy động một số lượng lớn phương tiện, vũ khí, khí tài chiến tranh tối tân, hiện đại nhất thời bấy giờ trút hàng triệu tấn bom đạn nhằm đánh phá, chặt đứt tuyến đường chi viện của ta. Thậm trí chúng còn sử dụng cả một hệ thống máy móc điện tử để giúp hướng dẫn máy bay ném bom. Ngoài ra, còn sử dụng hàng triệu lít chất độc hoá học trong đó có chất độc mầu da cam có chứa DIOXIN để diệt cỏ, làm trụi lá cây; triển khai các dự án tạo mưa và các chất hoá học tạo bùn cũng đã được sử dụng để phá đường... Vì vậy tuyến đường Trường Sơn còn được gọi là "tuyến lửa" với các "toạ độ lửa", cửa tử, các trọng điểm bắn phá, ném bom của máy bay địch.




Cây thu phát nhiệt đới, một thiết bị do thám điện tử của Mỹ được thả xuống từ máy bay và lẫn trong cây rừng rất khó phát hiện.





Máy bay AC-130 bắn phá ngăn chặn các đoàn xe rất hiệu quả bằng vũ khí Laze cảm nhiệt và chất độc hoá học mầu da cam có chứa Dioxin để diệt cỏ và làm trụi lá cây được máy bay Mỹ rải xuống rừng Trường Sơn.


Có những trọng điểm liên tiếp trong nhiều ngày bị máy bay địch bắn phá, ném bom rải thảm. Tuy nhiên, dưới những tán cây rừng, suối sâu, đèo cao ẩn khuất trong mây mù tuyến đường vẫn vươn dài và mở rộng ra các hướng. Bắt đầu từ km số O, thuộc Thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), tuyến đường đã xuyên qua các cánh rừng già, phát triển thành một mạng lưới với 5 trục dọc theo sườn Đông và Tây dãy núi Trường Sơn. 21 trục ngang liên hoàn với tổng chiều dài hơn 17 nghìn km, Nối liền hậu phương lớn miền Bắc tới các chiến trường. Trên tuyến đường đó, suốt ngày đêm, hàng đoàn cán bộ, chiến sỹ nối nhau tiến bước vào tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam.


Vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, hồi ấy lớp lính trẻ chúng tôi đã phải vượt qua vô vàn khó khăn gian khổ. Nhiều khi đứng trước giữa sự sống - cái chết chỉ là lằn ranh giới mong manh. Cuộc hành quân trường kỳ, cứ đêm đi, ngày nghỉ. Đường đi chủ yếu toàn là đèo dốc quanh co, hiểm trở. Cứ lên đến đỉnh núi trập trùng rồi lại tụt xuống. Nơi nào bãi bằng, đoạn đường nào qua bãi trống đều không được đi. Chỗ nào khe suối, đường mòn cũng không được đi bởi đó là những trọng điểm, nơi địch thường xuyên tập trung ném bom, đánh phá. Rừng Trường Sơn âm u, rậm rạp là thế nhưng hầu như chưa bao giờ có đêm. Vì cứ vào khoảng 5 giờ chiều là địch bắt đầu thả pháo sáng. Màn đêm bị xé rách bởi những quầng lửa và tiếng bom dội ầm ì. Bây giờ nghĩ lại, ở các chặng đường chiến tranh mình đã đi qua, lúc đó chỉ thấy có một tinh thần, một khát khao đấu tranh giải phóng dân tộc rất lớn. Cho dù có người bị sốt rét, bị thương, ốm yếu nhưng vẫn cố gắng đi theo đoàn quân tiến về phía trước. Bởi cái khát khao giải phóng và tình cảm anh em trong chiến đấu, giữa sự sống với cái chết không thể nhường bỏ cho ai được. Thậm chí có những người ốm mệt không mang vác được ba lô thì cũng cố gắng chống gậy đi để động viên tinh thần cho đồng chí, đồng đội tiến lên phía trước.




Đội hình xe vượt qua một trọng điểm thường xuyên bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.


Thấy rõ tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường, địch đã tập trung mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất hòng chặn đứng và dập tắt ý chí chiến đấu của quân ta bằng những trận ném bom rải thảm. Có thể nói, nước Mỹ có vũ khí gì thì ở Trường Sơn cũng có thứ đó, ngoại trừ bom nguyên tử. Trên tuyến đường Trường Sơn ngoài khó khăn, vất vả về địa hình núi cao, suối sâu thì nguy hiểm thường trực với người lính đó là các loại bom mìn ken đặc dưới mỗi bước chân. Như các loại bom phạt, mìn vướng nổ, bom bi, bom nổ chậm.. Mỗi sơ xảy đều phải trả giá bằng mạng sống.

Có lẽ, chính cái khát khao giải phóng đã trở thành sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Và con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành con đường huyền thoại về ý chí quyết tâm, về sức mạnh của dân tộc làm cho cả thế giới phải khâm phục, kẻ thù phải khiếp sợ. Suốt 16 năm sau đó, đường Trường Sơn luôn luôn trở thành trọng điểm ngăn chặn quyết liệt của địch. Núi rừng Trường Sơn luôn luôn rung chuyển, bị cày đi xới lại bởi gần 4 triệu tấn bom đạn, hoá chất độc của địch trút xuống, gây nhiều tổn thất về người, phương tiện vật chất và môi trường sinh thái trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Ra đời và chiến đấu trên tuyến vận tải chi viện chiến lược vô cùng ác liệt - nơi thường xuyên thử thách ý chí, trí tuệ, lòng quả cảm trước vũ khí tối tân của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ, mỗi con người về với Trung đoàn 13 đều khát khao cháy bỏng quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tinh thần yêu nước đó đã tạo nên sức mạnh lớn lao để Trung đoàn liên tiếp lập được nhiều chiến công rất đáng tự hào trong nhiệm vụ vận chuyển chi viện miền Nam, làm nhiệm vụ quốc tế và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, từng bước xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Với những thành tích đó, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã trao tặng cho Trung đoàn danh hiệu "Quả đấm thép Trường Sơn; "Cánh Đại bàng từ Bắc vào Nam".. Đặc biệt ngày 31 tháng 12 năm 1973 Trung đoàn thân yêu của tôi vinh dự lớn được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.




Đội hình xe của Trung đoàn 13 xuất kích.


Thực tiễn đã chứng minh và lịch sử đã khẳng định, nhiệm vụ xuyên suốt của đường Hồ Chí Minh là thực hành vận tải chi viện chiến lược cho các hướng chiến trường để đánh thắng Mỹ, nguỵ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ nói trên đã diễn ra cuộc đấu trí, đấu lực có một không hai giữa một bên là Đế quốc Mỹ, kẻ quyết tâm ngăn chặn mọi hoạt động của ta trên đường Trường Sơn bằng đủ loại vũ khí, phương tiện hiện đại nhất của quân đội Mỹ và một bên là nhân dân và quân đội Việt Nam mà trước hết là Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", không sợ hy sinh, gian khổ, kết hợp với trí thông minh tuyệt vời và nghệ thuật quân sự truyền thống cũng như sáng tạo, lợi dụng mọi sơ hở và chỗ yếu của địch mà tấn công, giành thắng lợi.
Tính đến ngày Việt Nam thống nhất, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400 km đuờng ống dẫn xăng dầu, 3.140 km "đường kín"cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.




Hệ thống đường Trường Sơn, 1973-1975


Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném xuống đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn 3 vạn người bị thương và mang thương tích chất độc mầu da cam, khoảng 14.500 xe - máy các loại, hơn 700 khẩu súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hoá bị đánh cháy...
Trong 16 năm, hệ thống cầu đường Trường Sơn đã chuyển đuợc hơn 1 triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

Bằng sự cống hiến, hy sinh to lớn của mình, bộ đội Trường Sơn - đuờng Hồ Chí Minh đã lập nên kỳ tích anh hùng, làm nên con đuờng huyền thoại, góp phần to lớn vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xứng đáng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Hồ Chí Minh. Trong niềm vinh dự tự hào đó có Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng của tôi. Trung đoàn xe vận tải đầu tiên của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và quân đội được tuyên dương anh hùng. Ngoài ra Trung đoàn còn có Tiểu đoàn 101, đơn vị được hai lần tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và hai cá nhân được phong là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Đồng chí Đỗ Văn Chiến và Đinh Văn Đen.
Tuyến đường Trường Sơn đã góp phần quan trọng vào việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nay, tuyến đường huyền thoại năm xưa đang trở thành giao thông huyết mạch thứ 2 góp phần phát triển kinh tế xã hội ở triền phía Tây đất nước


ĐẠI LỘ HỒ CHÍ MINH NGÀY NAY: Tôi rất vui và tự hào bởi giờ đây, trong công tác mới sau ngày rời quân ngũ, tôi đã có may mắn được rất nhiều lần trở lại với tuyến đường, trở lại cái nơi mà một thời trai trẻ oai hùng nơi chiến địa và trở về trong chiến thắng vinh quang của dân tộc, góp phần sức lực nhỏ bé của mình trong sự nghiệp trọng đại của Tổ quốc.
Cứ mỗi dịp như thế này tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại những năm tháng hào hùng đó và cũng không thể nào quên được những hình ảnh thân thương của biết bao đồng đội đã mãi mãi ra đi để cho Tổ quốc này ngàn đời bất diệt. Xin kính cẩn nghiêng mình tri ân trước anh linh họ, những người con vĩ đại của non sông đất nước này./. Trần Trung Thành

Đường Hồ Chí Minh là một con đường giao thông đang được thi công sau 1975, dài khoảng 3.167 km và cũng là con đường thứ 2 chạy từ Bắc vào Nam Việt Nam. Tuyến đường này được xây dựng trên cơ sở nâng cấp mở rộng một số tỉnh lộ và quốc lộ cũng như làm mới một số đoạn. Các đoạn dựa trên nền quốc lộ và tỉnh lộ có sẵn được gọi là đoạn/tuyến tráng quốc lộ/tỉnh lộ.

Dự án xây dựng bao gồm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1

Thi công phần dài hơn 2000 km từ Hòa Lạc (Hà Nội) tới Bình Phước. Ngày 5 tháng 4 năm 2000, đường Hồ Chí Minh khởi công xây dựng giai đoạn 1 và đến năm 2006 đã tiến hành nghiệm thu cơ sở được 1.234,5 km đường, 261 cầu, 2 hầm và 2 nhà hạt. Vào những tháng đầu năm 2007, các đơn vị thi công đang gấp rút thi công các đoạn Hòa Lạc - Xuân Mai thuộc Hà Nội (dài 13km), Hà Nội-Hòa Bình và đoạn qua Vườn Quốc gia Cúc Phương phần thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa (dài 93 km đường, 2 cầu lớn, 22 cầu trung và 6 cầu cạn), đoạn Ngọc Hồi - Tân Cảnh thuộc tỉnh Kon Tum (dài 22 km) và đường ngang nối cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh (dài 54km). Theo nhận định của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 6-2007, toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 sẽ được hoàn tất và tiến hành nghiệm thu cấp Nhà nước . Đến 30 tháng 4 năm 2008, Đường Hồ Chí Minh trên phần giai đoạn 1 đã thông tuyến.

http://media.landtoday.net/Library/images/13/2008/05/duong_HoChiMinh.jpgGiai đoạn 2

Thi công phần từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Hòa Lạc và phần Tuyến Đường N2 từ Bình Phước tới Cà Mau .

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhvI1lIT5WGPvwqcdzQQmcAhuqV82kXA_y-42uNu5Okd-8vj-Cd7y1gdooYWSrHL6648n7wp58e3z5ZLKu-M6EUqSGYNbhzKz1CqT9wrdWzhpXEwAsfW1jq-2maT9byVEgmxIG3O1oGnAJv/s800/duong+ho+chi+minh+map.jpgGiai đoạn 3

Năm 2010-2020, hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Ngày 3 tháng 2 năm 2004, tại kỳ họp thứ 6, khóa XI, Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, và xác định đây là công trình quan trọng quốc gia. Theo đó, đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước Việt Nam, với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500 km). Đường sẽ có quy mô từ 2 đến 8 làn xe tùy thuộc địa hình.

Tuyến chính của Đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua các địa điểm và địa phương sau: Pác Bó, thị xã Cao Bằng, thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Bắc Kạn, Chợ Chu, đèo Muồng, ngã ba Trung Sơn, ngã ba Phú Thịnh, cầu Bình Ca (sông Lô), Km124+500 Quốc lộ 2, ngã ba Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, cầu Ngọc Tháp (sông Hồng), Cổ Tiết, cầu Trung Hà, thị xã Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Chợ Bến, Xóm Kho, Ngọc Lặc, Lâm La, Thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Khe Cò, Phố Châu, Vũ Quang, Tân Ấp, Khe Gát, Bùng, Cam Lộ, cầu Tuần, Khe Tre, đèo Đê Bay, đèo Mũi Trâu, Túy Loan, Hòa Khương, Thạnh Mỹ, đèo Lò Xo, Ngọc Hồi, Kon Tum, thành phố PleiKu, thành phố Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Chơn Thành, ngã tư Bình Phước, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mỹ An, thành phố Cao Lãnh, cầu Cao lãnh (sông Tiền), cầu Vàm Cống (sông Hậu), Rạch Sỏi, Minh Lương, Gò Quao, Vĩnh Thuận, thành phố Cà Mau, cầu Đầm Cùng, Năm Căn, Đất Mũi.

Tuyến phía Tây sẽ đi qua các địa điểm: Khe Gát, đèo U Bò, Tăng Ký, cầu Khỉ, Sen Bụt, Khe Sanh, Đăk Rông, đèo Pê Ke, A Lưới, A Đớt, A Tép, Hiên, Thạnh Mỹ.

Đường Hồ Chí Minh có những đoạn tráng các tỉnh lộ và quốc lộ sau:

Sau chiến tranh, đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, được lãnh đạo đất nước quyết định đầu tư nâng cấp thành tuyến giao thông huyết mạch quốc gia thứ 2 (sau Quốc lộ 1A) kéo dài từ Cao Bằng đến Cà Mau với tổng chiều dài 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500 km).

Con đường mòn nay trở thành đại lộ mang tên Hồ Chí Minh này chạy dài qua địa phận 30 tỉnh, thành phố trong cả nước và được phân ra thành nhiều đoạn để thi công. Giai đoạn 1, hơn 2000km từ Hòa Lạc (Hà Tây – Hà Nội) đến Bình Phước ở miền Đông Nam bộ đã hoàn thành và thông xe vào giữa năm 2008. Giai đoạn 2 của dự án, đoạn từ Hòa Lạc đến Pác Bó (Cao Bằng) và từ Bình Phước đến Đất Mũi (Cà Mau), hiện đang được thực hiện.

Đoạn đường này nằm trên đỉnh Trường Sơn (đoạn cao 1.100m so với mặt biển) do Trung đoàn 98 công binh - đơn vị anh hùng - mở...

Nơi bắt đầu con đường lịch sử: Con đường lịch sử ấy - “Đường mòn Hồ Chí Minh”, nay đã thành đại lộ Hồ Chí Minh. Đã có biết bao nhiêu sách báo nói đến con đường lịch sử này rồi nhưng với mỗi thời gian khác nhau, với cách tìm hiểu và lấy tài liệu khác nhau, người ta lại hình dung con đường lịch sử ấy một cách khác nhau.

Những người khai sinh “Đoàn 559” tròn 50 năm trước, đứng đầu là tướng Võ Bẩm, trong tâm tưởng hẳn là luôn nghĩ về “con đường mòn” theo đúng nghĩa đen của từ này - một lối đi nhỏ len lỏi giữa lau lách và rừng rậm Trường Sơn mà miền Bắc dùng để chi viện cho cuộc chiến đấu ở miền Nam, với cột số “0” ở Bến Tắt, thượng nguồn sông Hiền Lương.

Những ai là lính của Binh đoàn 559 về sau, hoặc từng đi qua Trường Sơn trong chống Mỹ thì lại nghĩ đó là cả một hệ thống đường chiến lược ngang dọc trên dãy Trường Sơn, một mạng lưới đường mỗi ngày một phát triển và biến hóa, với cột Km số “0” ở Tân Kỳ, Nghệ An…

Từng đoàn xe vượt ngầm trên đường Trường Sơn vào tiền tuyến.

Với riêng tôi, đã nhiều năm cứ thầm nghĩ là mình có may mắn được ở nơi bắt đầu con đường lịch sử ấy. Đó là đoạn đường qua Ca Tang, Khe Ve lên đèo Mụ Dạ. Năm 1953, trong kháng chiến chống Pháp, đây là con đường quân ta tiến lên mở mặt trận Trung Lào phối hợp với chiến dịch Điện Biên.

Trong những năm tháng bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, hầu như ngày nào không lực Mỹ cũng ném bom vào đoạn đầu mối “đường mòn Hồ Chí Minh” này.

Ngày ấy, những tuyến đường ngang vượt Trường Sơn như đường 20 bên phà Xuân Sơn (còn gọi là đường “Quyết Thắng”), đường 10 bên phà Long Đại, đường 16 qua Dốc Khỉ mới chỉ có dấu chân của những người khảo sát, còn những đoàn xe, pháo vượt Trường Sơn tiến vào mặt trận chỉ bằng một con đường duy nhất: đường 12A qua đèo Mụ Dạ. Vì thế, đoạn đường hiểm yếu ấy cũng là nơi hội tụ các anh hùng: Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Thị Kim Huế, Tiểu đoàn 2 công binh, Đại đội TNXP 759…

Những năm sau này, có dịp đi trên đoạn đường mới rải nhựa rộng thênh thang dọc theo triền phía Đông Trường Sơn thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, nhìn hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu nổi bật trên vách đá nâu đầu cầu Đak-rông: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, lòng tôi náo nức nghĩ đến ngày đại lộ Hồ Chí Minh lớn thêm trên triền phía Tây Tổ quốc và thông suốt từ Bắc chí Nam...

Đến hôm nay thì dự án nối dài đường Hồ Chí Minh lên tận Cao Bằng đang được triển khai và một ngày không xa nữa, cột Km số “0” - nơi bắt đầu con đường lịch sử - hẳn sẽ được đặt trước cửa hang Pắc-bó, địa chỉ đỏ ghi những bước chân đầu tiên của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc vào đêm trước Mùa Thu Cách mạng…

Đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: THÀNH TÂM



Thực ra, cuộc “tranh cãi” về nơi bắt đầu, nơi khởi phát “Đường Hồ Chí Minh” trên mặt đất không quan trọng, vì mỗi nơi đều có giá trị lịch sử của nó. Điều có ý nghĩa hơn là tìm về cội nguồn sức mạnh tinh thần - nơi bắt đầu thực sự của những con đường đã làm nên kỳ tích trong lịch sử dân tộc ta.

Nơi bắt đầu ấy chính là tinh thần yêu nước, là ý chí quật cường, “quyết không chịu làm nô lệ cho người mãi thế”, như lời Nguyễn Ái Quốc đã viết trong “Thư gửi đồng bào” năm 1941 tại Pắc-bó, sau Hội nghị Trung ương 8 quyết định đường lối giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh.

50 năm, 90 năm, 220 năm… và xa hơn nữa, trong trường tồn lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của người dân Việt đã xây đắp nên CON ĐƯỜNG VIỆT NAM không hề khuất phục trước cường quyền sẽ mãi được xưng tụng. Hôm qua đã như thế, hôm nay và ngày mai, cho dù “toàn cầu hóa” và thế giới đảo lộn, những con dân nước Việt vẫn nhất quyết đi trọn con đường mà tiền nhân đã đặt những bước khởi đầu vẻ vang.

Nguyễn Khắc Phê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean